10 NHÂN VẬT ĐỊNH HÌNH KHOA HỌC 2020 (Phần 1)

Tạp chí Nature mới đây đã chọn ra danh sách 10 khám phá quan trọng nhất của khoa học năm nay, cùng với nó là 10 cá nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong những dấu mốc này. Đây không phải là một bảng xếp hạng hay giải thưởng, mà thông qua những cá nhân này, ban biên tập của Nature muốn kể lại những câu chuyện khoa học có sức ảnh hưởng nhất 2020.

Tedros Adhanom Ghebreyesus:  Người đánh kẻng

Nhà lãnh đạo y tế công cộng đương đầu với các thách thức từ mọi phương diện trong nỗ lực kêu gọi toàn cầu chống lại COVID-19

Ảnh: Dr. Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi họp báo về sự bùng phát dịch Ebola ở Cộng hoà Dân chủ Congo/UN Geneva | CC BY-NC-ND 2.0

Vào ngày 15 tháng Tư, Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bắt đầu bị cuốn vào một cơn bão chính trị. Ngày hôm trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ tạm ngưng tài trợ cho WHO trong khi tiếp tục xem xét các phản ứng của tổ chức này với đại dịch COVID-19 và cách nó đối đãi Trung Quốc. 

Thay vì công khai đáp trả lại những cáo buộc từ Trump rằng WHO đang “quản lý yếu kém” và “che đậy” thông tin, Tedros mô tả Hoa Kỳ như một “người bạn hào phóng” và nhấn mạnh vào mong muốn phục vụ tất cả các đất nước và đối tác trong thời kỳ đại dịch của WHO.

“Bởi vì chúng tôi rất ý thức về những căng thẳng địa chính trị giữa những thế lực chủ chốt, nên ngay từ đầu đã lựa chọn đứng ở vị trí ủng hộ sự đoàn kết toàn cầu”, Tedros chia sẻ trong một email trao đổi với Nature.

Năm 2017, Tedros trở thành tổng giám đốc WHO đầu tiên đến từ châu Phi, sau những phản ứng có vấn đề của WHO trước đợt bùng phát dịch Ebola. Với nền tảng sâu rộng trong lĩnh vực y tế công cộng, dịch tễ học và đối ngoại, Tedros hứa hẹn thiết lập một cơ quan có thể phản ứng nhanh nhẹn trước những đại dịch tiếp theo.

Nhờ khả năng thấu cảm, phong cách giao thiệp gần gũi và sự chăm chỉ của mình, ông đã thu được cảm tình từ các nhà nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực y tế công cộng. Lawrence Gostin (nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Georgetown, Washington DC) chia sẻ rằng “Ông ấy lãnh đạo thông qua việc trực tiếp xắn tay áo lên và làm mẫu cho mọi người.” Trong đợt tái bùng dịch Ebola năm 2018 ở Cộng hoà dân chủ Congo, Tedros đã liên tục tới thăm đất nước này dù đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm cao. WHO và các đội phản ứng địa phương đã làm việc tích cực để hạn chế sự lây lan và tiêm vắc-xin cho hơn 300.000 người trong khoảng thời gian đó.

Nhưng COVID-19 thực sự đã thách thức khả năng kiểm soát dịch bệnh của WHO. 

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổ chức này nhận được những báo cáo mới về những trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 27 tháng 1 năm 2020, Tedros lên đường tới Trung Quốc để gặp mặt chủ tịch Tập Cận Bình; 3 ngày sau, ông tuyên bố vụ bùng phát này là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, buộc các quốc gia thành viên của WHO phải sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Tedros quá hào phóng khi đưa ra những khen ngợi về Trung Quốc và rằng ông nên thẳng thắn hơn về những thông tin mà đất nước này đã che dấu (những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên). Việc công khai thể hiện sự tôn trọng với Trung Quốc đã khiến Tedros và WHO liên tục hứng chịu những chỉ trích rằng tổ chức này đang thiên vị Trung Quốc, bao gồm cả những chỉ trích đến từ chính quyền Trump.

Nhiều nhà khoa học cũng nói rằng cơ quan này đã quá bảo thủ trong việc xem xét các bằng chứng khoa học hạn chế. Điều này thể hiện qua sự chậm chạp trong việc xác nhận sự lây truyền giữa người với người và thừa nhận khả năng lây truyền ở những người không có triệu chứng. WHO đã chối bỏ các chỉ trích này. “Chúng tôi đã rung hồi chuông cảnh báo rất to và rõ ràng ngay từ khi nhận được những báo cáo đầu tiên”, Tedros khẳng định. 

Một số nhà nghiên cứu khác cũng bổ sung rằng kể cả khi WHO có những phản ứng nhanh chóng và minh bạch hơn, việc xoay chuyển diễn biến đại dịch cũng rất khó khăn khi mà nhiều quốc gia thể hiện sự lưỡng lự trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống. Và có thể Trung Quốc sẽ còn che đậy thông tin nhiều hơn nếu như Tedros trở nên cứng rắn với họ. 

Vào tháng 7, Hoa Kỳ – nhà tài trợ chính phủ lớn nhất của WHO – thông báo về kế hoạch rút tài trợ của nó vào năm 2021. Tổng thống mới đắc cử Joe Biden đã hứa rằng sẽ huỷ kế hoạch này sau khi nhậm chức vào tháng 1 tới.

Nhưng kể cả khi nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, WHO nhìn chung vẫn ở trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng so với những trách nhiệm nó đang gánh chịu. Cuộc khủng hoảng này một lần nữa làm lộ ra những lỗ hổng của WHO với tư cách là một tổ chức phụ thuộc vào tài trợ của các nước thành viên, và những thách thức đối với một nhà lãnh đạo trong việc cố gắng điều hướng vùng nước chính trị nguy hiểm.

Tedros nói rằng giờ đây ông vẫn đang tập trung vào giai đoạn kết thúc của COVID-19, cố gắng đảm bảo rằng mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vắc-xin. Trong lúc thế giới tiến tới giai đoạn này, chắc chắn còn nhiều cơn bão chính trị nổi lên, Tedros nói rằng ông sẽ luôn giữ mình cúi đầu và cố gắng xuyên qua những hỗn loạn này.

Verena Mohaupt: Người tuần tra nơi địa cực 

Trong một nhiệm vụ chưa từng có ở Bắc Cực, người trưởng nhóm hậu cần này đã bảo vệ các nhà khoa học khỏi gấu, cái lạnh cùng cực, và chính bản thân họ. 

Ảnh: Alfred Wegener Institute

Lúc này, khi chạm trán phải chú gấu Bắc cực, họ đã không còn đường rút lui. Con gấu bắt đầu nhìn chằm chằm về phía tảng băng trôi, nơi mà Verena Mohaupt và các đồng nghiệp đang mắc kẹt ở phía trên, và họ biết rằng đây là một dấu hiệu nguy hiểm.

“Đó là khi mọi thứ bắt đầu ập đến trong đầu, và bạn chỉ có thể tập trung vào thứ quan trọng nhất”, Mohaupt kể lại. Trong lúc một đồng nghiệp của cô nổ một phát pháo sáng như lời cảnh cáo tới con gấu, Mohaupt đã kịp gửi tín hiệu của họ tới chiếc tàu nghiên cứu cách đó vài kilomet. May mắn thay, trực thăng của con tàu đã kịp tới trước khi Mohaupt phải sử dụng khẩu súng cô luôn đeo trên vai. 

Chú ý đề phòng những con gấu là nhiệm vụ thường trực của Mohaupt, điều phối viên hậu cần của một nhiệm vụ kéo dài một năm mang tên Multidisciplinary drifting Observatory for the Study of Arctic Climate (Đài quan sát khí hậu đa ngành phục vụ nghiên cứu khí hậu Bắc Cực – MOSAiC) – cuộc thám hiểm nghiên cứu Bắc Cực lớn nhất trong lịch sử. Dự án này bắt đầu vào cuối năm 2019, khi một tàu phá băng của Viện Alfred Wegener (Đức) ở Bremerhaven đâm vào một tảng băng lớn ở vùng Bắc Cực Siberia và lập tức đóng băng tại chỗ. Trong những năm tiếp theo, con tàu và một nhóm 300 các nhà khoa học luân phiên nhau bám theo những tảng băng để thu thập các dữ liệu chưa từng có về biến đổi khí hậu. Dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu khí quyển Markus Rex, cuộc thám hiểm đã thu thập được những thước đo có thể giúp những người thiết kế mô hình dự đoán được tốt hơn việc thời tiết ấm lên có thể làm khu vực này, cũng như phần còn lại của thế giới, bị biến đổi như thế nào trong những thập kỷ sắp tới.

Trong hàng tháng trời, nhóm thám hiểm đã phải hoạt động liên tục trong bóng tối, nơi những con gấu Bắc Cực luôn lang thang gần bên; trải qua nhiều cơn bão làm lật thuyền; hay rơi vào tình huống tảng băng xoay chiều và bị vỡ. Khi mặt trời trở lại, băng bắt đầu tan, các nhà nghiên cứu vừa phải lo cho tính mạng của bản thân, vừa phải lo giữ gìn các công cụ nghiên cứu không bị chìm.

Trước những thách thức của nhiệm vụ, Mohaupt đã thiết kế các khóa huấn luyện để người tham gia có thể học được những cách thức ứng phó với sự nguy hiểm của Bắc Cực. Họ đã phải nhảy vào một vịnh hẹp ở Na Uy trong bộ quần áo sinh tồn và tự mình thoát ra khỏi vùng nước đóng băng chỉ với một chiếc cuốc. Họ đã học cách thoát khỏi một chiếc trực thăng bị rơi, thảo luận về những ảnh hưởng tâm lý của việc xa nhà. Mohaupt mang theo đồ đan len, đàn accordion và thảm tập yoga để giữ mình luôn tỉnh táo hơn – mặc dù cô cảm thấy đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc bị cô lập, và đã từng có kinh nghiệm thực hiện hai công việc 18 tháng với tư cách là quản lý trạm cho một cơ sở nghiên cứu Pháp-Đức trên Svalbard ở Na Uy.

Mohaupt không hề có kế hoạch trở thành người làm hậu cần ở vùng cực địa, nhưng chia sẻ rằng cô luôn cảm thấy mình bị thu hút bởi phía bắc – thậm chí là từ khi còn đang học lý sinh học ở đại học. Có nền tảng khoa học giúp cô có thể làm việc chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu để đảm bảo họ có đủ các thiết bị nghiên cứu cần thiết. Nhóm hậu cần của cô cũng bao gồm những thành viên đóng vai trò như người canh chừng gấu Bắc Cực khi các nhà nghiên cứu đang làm việc trên các tảng băng trôi.

“Với nhiều người, khi một con gấu tiến tới, suy nghĩ đầu tiên của họ sẽ là “hãy hoảng loạn đi – có một con gấu đang ở ngay kia kìa”, Matthew Shupe, một nhà nghiên cứu khí quyển tại Đại học Colorado Boulder tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ, cũng là người điều hành nhóm thám hiểm, chia sẻ. “Nhưng nhóm hậu cần sẽ luôn là những người tiến lên phía trước và kiểm soát những tình huống như vậy một cách rất bình tĩnh, tôi nghĩ rằng điều này thực sự có ích trong việc tạo ra một cảm giác an toàn khi đang ở ngoài đó.”

Lo ngại lớn nhất của Mohaupt là cái lạnh, và nhóm của cô ấy luôn làm việc chặt chẽ với các nhà nghiên cứu để giữ họ an toàn. Bên cạnh những khóa tập huấn khắc nghiệt, Mohaupt và đồng nghiệp của mình luôn luôn mang theo các bình trà hoặc socola nóng cho những người phải làm việc trên băng. Với tất cả những chuẩn bị cẩn thận này, chỉ có duy nhất một trường hợp tê cóng nghiêm trọng trong suốt quãng thời gian một năm làm nhiệm vụ. Allison Fong, trưởng nhóm hệ sinh thái của MOSAiC chia sẻ rằng “Họ ở đó để đảm bảo rằng chúng tôi được bảo vệ. Và Verena chắc chắn là quán quân trong việc này.”

Gonzalo Moratorio: Kẻ săn COVID 

Nhà nghiên cứu virus giúp Uruguay đối phó thành công với dịch bệnh.

Ảnh: EFE

Sự nổi tiếng đến với Gonzalo Moratorio vô cùng nhanh trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Mọi người nhận ra anh trên đường phố Montevideo, thủ đô của Uruguay. Mỗi khi tới các quán bar, luôn có người sẵn sàng mời bia Moratorio. Ngay cả khi đi lướt sóng, cũng có người nhận ra anh và tiến tới cảm ơn.

Họ biết ơn vì Moratorio đã giúp Uruguay tránh được những hậu quả tệ nhất của đại dịch. Moratorio, một nhà nghiên cứu virus tại Viện Pasteur và Đại học Cộng Hoà cùng với các đồng nghiệp của mình đã thiết kế một cách thức xét nghiệm virus corona và một chương trình quốc gia để kiểm soát đại dịch khi dịch bệnh bắt đầu quét qua vùng Mỹ Latin, bao gồm cả những hàng xóm gần nhất của Uruguay là Argentina và Brazil. Cho tới ngày 10 tháng 12, Uruguay vẫn giữ kỷ lục có số người chết vì COVID-19 thấp nhất thế giới (87 trường hợp).

Moratorio vốn đang hào hứng bắt đầu một năm mới với lần đầu nắm giữ chức vụ trưởng phòng nghiên cứu sau khi hoàn thành chương trình hậu tiến sĩ tại Paris. Anh đang lên kế hoạch nghiên cứu cách thức đột biến của virus và làm thế nào để giảm bớt các nguy hại chúng có thể gây ra. Nhưng ngay ngày đầu tiên của tháng 3, anh và các đồng nghiệp tại Pasteur khắp vùng châu Mỹ bỗng buộc phải gặp nhau trực tuyến để thảo luận về cách thức đối phó với đại dịch đang diễn tiến rất nhanh.

Một số người không quá lo lắng. Và sự tự tin của họ không phải là vô lý khi mà Uruguay là một đất nước có chăm sóc y tế toàn dân, có một hệ thống giám sát dịch tễ học vô cùng mạnh và quy mô dân số nhỏ, và đã từng tránh được dịch sốt vàng (yellow fever), Zika và các bệnh truyền nhiễm khác từng xâm chiếm các đất nước hàng xóm của nó.

Nhưng Moratoria hiểu được các rủi ro. Anh nhìn nhận được rằng cách thức tốt nhất để tránh bùng dịch là xét nghiệm ở quy mô rộng và cách ly các trường hợp dương tính. Không lâu sau đó, nhu cầu cho các bộ xét nghiệm thương mại trên toàn cầu bùng nổ. Moratorio và Pilar Moreno – người đồng nghiệp lâu năm của anh – nhận ra rằng tình trạng thiếu thốn công cụ xét nghiệm này sẽ khiến Uruguay không thể nào kiếm được các thuốc thử và vật liệu xét nghiệm. “Đó là lúc mà tôi nhận ra rằng chúng ta phải độc lập trong việc này”, Moreno kể lại.

Ngày 13 tháng 3, Uruguay xác nhận những ca dương tính COVID-19 đầu tiên và tuyên bố một tình trạng sức khoẻ công cộng khẩn cấp toàn quốc. Chính phủ yêu cầu đóng cửa các doanh nghiệp và trường học, ra lệnh hạn chế các chuyến bay và đóng cửa biên giới, yêu cầu mọi người tự cách ly. Cho tới lúc đó, Moratorio, Moreno và các thành viên của phòng nghiên cứu đã phát triển được công thức xét nghiệm của riêng họ. 

Trong vòng vài tuần, các nhà nghiên cứu đã biến xét nghiệm của họ thành một công cụ đơn giản và hiệu quả. Cùng với sự giúp đỡ của Bộ Y tế Công cộng, họ đã đào tạo và xây dựng được một mạng lưới các phòng xét nghiệm chẩn đoán quốc gia.

Cho tới cuối tháng 5, Uruguay đã thực hiện được hơn 800 xét nghiệm mỗi ngày, và một nửa trong số các bộ công cụ được dùng là đồ sản xuất trong nước. Tính đến hôm nay, con số đó là khoảng 5000, và 30% trong số này sử dụng công thức của Moratorio. 

Cuộc sống ở Uruguay gần như đã quay trở lại bình thường. Các trường học và nhà hàng đã mở cửa trở lại, phần lớn đã quay lại làm việc. Ngay cả Moratorio và nhóm nghiên cứu của anh cũng đã dần trở lại với nghiên cứu ban đầu của họ. Nhưng anh luôn giữ tinh thần cảnh giác. “Tôi sợ rằng sẽ tới lúc chúng ta không thể kiểm soát được nó.”

Adi Utarini: Người chỉ huy loài muỗi

Nhà nghiên cứu y tế công cộng dẫn đầu một thử nghiệm tiên phong về một công nghệ có thể loại bỏ bệnh sốt xuất huyết.

Ảnh: World Moquisto Program

Khi dịch bệnh COVID-19 đang càn quét thế giới, Adi Utarini lại đang tập trung chiến đấu với một bệnh truyền nhiễm chết người khác: sốt xuất huyết. Tháng 8 năm nay, nhóm nghiên cứu của cô đã báo cáo một chiến thắng to lớn mà có thể làm xoay chuyển cuộc chiến chống lại dịch bệnh ảnh hưởng tới hơn 400 triệu người mỗi năm này, và thậm chí là có thể giúp đối phó với các bệnh lây từ muỗi khác.

Utarini và các đồng nghiệp của cô đã giúp giảm được 77% số ca mắc sốt xuất huyết ở một số vùng rộng lớn của Indonesia bằng cách cho thả những con muỗi đã được biến đổi gen để ngăn chúng lây truyền virus. Các nhà dịch tễ học ca ngợi kết quả này như một chiến thắng bền bỉ và đáng kinh ngạc trước loại virus đã xâm chiếm rất nhiều đất nước, đặc biệt là những nước thu nhập thấp ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Dự án này là cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của một tiếp cận hoàn toàn mới trong việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết. Phương pháp này đã thành công trong những thử nghiệm nhỏ ở Úc và Việt Nam, nhưng Yogyakarta, một thành phố đông đúc với gần 400.000 người dân cùng tỷ lệ truyền nhiễm sốt xuất huyết cực kỳ cao mang tới một phạm vi thử nghiệm lớn hơn rất nhiều. 

Đây cũng là một cuộc thử nghiệm quan trọng xem xét xem liệu nhóm nghiên cứu của Utarini có thể lấy được lòng tin từ cộng đồng mà họ sẽ nuôi thả loài muỗi biến đổi gen này hay không. “Đó chính là điều thành công nhất ở nhóm nghiên cứu mà Adi dẫn đầu”, Oliver Brady (nhà nghiên cứu sốt xuất huyết tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London – London School of Hygiene & Tropical Medicine) cho biết. Nhóm dự án đã sử dụng các thông báo truyền thông, vẽ tường, tổ chức các buổi gặp mặt đối mặt và thậm chí là tổ chức một cuộc thi phim ngắn để thông tin tới cộng đồng về công nghệ này và để giải đáp các thắc mắc của người dân về cuộc thử nghiệm. 

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm tại Yogyakarta này từ năm 2011, nhưng đã gặp phải nhiều vấn đề trong việc nhận được sự đồng thuận của chính phủ. Utarini, một nhà nghiên cứu y tế công cộng nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với bệnh lao và sốt rét, đã được tuyển vào năm 2013 để giúp đỡ. Cô đã thương lượng với nhiều chính quyền địa phương và nhanh chóng nhận được các phê duyệt sau đó.

Khi cuộc thử nghiệm đạt được những kết quả tích cực, cộng đồng đã trở nên rất quan tâm tới công việc của nhóm. “Ngay cả trước khi có những kết quả cuối cùng, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu từ cộng đồng hỏi rằng ‘Các bạn có thể tiến hành việc này ở khu vực của tôi không?”, Utarini chia sẻ. “Nó thực sự là một giấc mơ trở thành sự thật.”

Các đồng nghiệp đồng ý rằng Utarini – một người mà họ mô tả là lặng lẽ nhưng có khả năng thuyết phục – là chìa khóa thành công của nghiên cứu. Adi đã mang đến mỗi thứ được coi là “keo dính để giữ mọi thứ gắn với nhau” cho quá trình thử nghiệm phức tạp này. Scott O’Neill, giám đốc của Chương trình Muỗi Toàn cầu tại TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) chia sẻ rằng: “Adi và nhóm của cô ấy đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm chất lượng cao này, giúp cung cấp cho chúng ta bằng chứng tuyệt nhất của phương pháp đó”.

Muỗi Wolbachia giờ đang được thả khắp Yogyakarta. Và lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết dám mơ tới một viễn tưởng rằng họ có thể loại bỏ hoàn toàn được virus gây bệnh này khỏi một thành phố, hay thậm chí là cả một quốc gia. “Mọi người mô tả quá trình này như là đang tiêm vắc-xin cho một vùng đất.”

Tháng 3 năm nay, chồng của Utarini, một nhà dược học, đã qua đời vì COVID-19. Trong khoảng thời gian khó khăn, cô đã tìm tới những đam mê khác của mình – đó là chơi đàn piano và đạp xe. Khi hỏi về chủ đề sốt xuất huyết, Utarini chia sẻ rằng cô rất lạc quan. “Tôi tin vào công nghệ này. Hẳn rồi tới cùng ta sẽ tìm được ánh sáng trong bóng tối.”

Kathrin Jansen: Nhà lãnh đạo vắc-xin

Vị giám đốc điều hành quản lý một trong những nỗ lực thần tốc nhất trong cuộc đua phát triển thành công vắc-xin COVID-19 

Ảnh: John Meore/The Journal News

Kathrin Jansen biết rằng cô ấy đang vô cùng mạo hiểm. Khi đại dịch COVID-19 ập đến, vắc xin dựa trên RNA là một công nghệ chưa được chứng minh. Từ trước tới nay, chưa doanh nghiệp nào xin được đơn phê duyệt để thử nghiệm nó trên con người. Nhưng khi số người chết ngày càng gia tăng trên địa cầu vào tháng 3, Jansen đã quyết định mạo hiểm tất cả vào một nền tảng vắc xin mới.

Là trưởng phòng nghiên cứu và phát triển vắc xin tại công ty dược phẩm Pfizer, Jansen đã dẫn dắt một nỗ lực mang tính kỷ lục để chứng minh rằng vắc xin COVID-19 của công ty cô ấy là an toàn vào có hiệu quả trên con người. Nhóm nghiên cứu của cô đã thực hiện việc đó trong chỉ 210 ngày, tính từ khi bắt đầu thử nghiệm vào tháng 4 và hoàn thành giai đoạn 3 của các cuộc thử nghiệm lâm sàng vào tháng 11 này.

Hàng ngàn nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, cả trong giới học thuật lẫn công nghiệp, đều tham gia phát triển và thử nghiệm hàng chục loại vắc xin để chiến đấu với virus corona chủng mới. Một số công ty đã báo cáo rằng họ đã phát triển thành công các loại vắc xin, và danh sách này chắc chắn sẽ còn gia tăng khi ngày càng có nhiều cuộc thử nghiệm đang đi tới hồi kết.

Quản lý một đội ngũ gồm 650 người thông qua chủ yếu là Zoom, Jansen đã dành toàn bộ năm vừa rồi từ căn hộ ở New York để xử lý các vấn đề trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, phân loại sản xuất hậu cần để đáp ứng các yêu cầu bảo quản lạnh và gần đây nhất là điều hướng các vấn đề quy định để thực hiện các bước tiếp theo trong việc triển khai vắc xin.

Nỗ lực này đã được đền đáp. Ngày 2 tháng 12, các cơ quan y tế tại vương quốc Anh đã phê duyệt vắc xin của công ty cho việc sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mở đường cho giai đoạn tiêm chủng hàng loạt. Đây là vắc xin COVID-19 đầu tiên được phê duyệt dựa trên dữ liệu của thử nghiệm giai đoạn III; các đất nước khác cũng sẽ sớm phê duyệt vắc-xin này.

Theo lời của các đồng nghiệp, Jansen nắm giữ vai trò lớn nhất trong thành công này. Cô được mô tả là một người tự tin, quả quyết, cực kỳ coi trọng dữ liệu, có óc tò mò và có một tấm lòng cởi mở với các ý kiến khác biệt. 

Jansen vốn có kinh nghiệm trong việc đối phó với các căn bệnh khó nhằn khi đang trong tình thế khó khăn. Khi còn làm việc ở Merck, cô đã bắt đầu một dự án tìm hiểu về virus papilloma (HPV) – một virus lây nhiễm qua đường tình dục gây ra ung thư cổ tử cung. Nhiều đồng nghiệp đã nói rằng nghiên cứu của cô là tốn thời gian và tiền bạc. Nhưng kết quả là nghiên cứu này đã giúp tạo ra vắc xin HPV đầu tiên với tiềm năng cứu sống hàng triệu mạng người thông qua việc phòng chống ung thư. 

Cô cũng là người giúp cải thiện vắc xin phòng chống phế cầu khuẩn khi làm gia tăng gần gấp đôi số chủng vi khuẩn được bao phủ (từ 7 lên 13), làm giảm tỷ lệ viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não trong quá trình sản xuất. Sản phẩm đó là Prevnar 13, hiện là vắc xin bán chạy nhất trên thế giới.

Vào một ngày chủ nhật đầu tháng 11, ngay trước khi các nhà nghiên cứu tại Pfizer biết được rằng vắc xin của họ đã thành công trong việc ngăn ngừa được các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng trong cuộc thử nghiệm lâm sàng then chốt, Jansen đã gọi cho Uğur Şahin – người cộng sự thân thiết của cô ở BioNTech – để cùng bàn luận lại về những thành tựu mà họ đã đạt được cùng nhau. 

“Cô ấy đã nói rằng, ‘dù cho dữ liệu có nói lên điều gì, tôi muốn nói rằng tôi luôn vinh hạnh khi được làm việc cùng bạn’,” Şahin kể lại. Cùng ngày hôm đó, họ nhận được kết quả: vắc xin của họ có hiệu quả hơn 90%. Jansen đã khóc vì xúc động sau khi nghe tin. Cô cùng chồng tự thưởng cho bản thân một ly sâm banh trước khi quay lại tiếp tục công việc mà cô vẫn luôn miệt mài trong 30 năm qua: cố gắng phòng ngừa thế giới khỏi những căn bệnh chết người khác.

Tiếp: 10 NHÂN VẬT ĐỊNH HÌNH KHOA HỌC 2020 (P2)

Leave A Comment