AI LÀ CAMILLE NOUS, TÁC GIẢ PHÁP ĐỨNG SAU GẦN 200 BÀI BÁO KHOA HỌC?

Tuy nhiên, các biên tập viên không biết rằng Nous không phải là người thật mà là một cái tên được đưa vào các bài báo như một biểu tượng cho một phong trào biểu tình. RogueESR, nhóm các nhà nghiên cứu Pháp không có người dẫn đầu chính thức, đã tham gia cuộc biểu tình này và đặt ra cái tên này. Theo nhóm, Nous được tạo ra nhằm cổ vũ cho những cố gắng chung trong khoa học và phản đối lại chủ nghĩa cá nhân trong giới học thuật. Trái lại với sự nhiệt tình trên, Lisa Rasmussen, nhà đạo đức sinh học (bioethicist) tại trường ĐH Bắc Carolina, Charlotte e ngại rằng chiến dịch này có phần ngây thơ và gây lo ngại về mặt đạo đức. Bà chia sẻ rằng nó đùa giỡn với những quy tắc cơ bản ràng buộc những trách nhiệm đi cùng sự công nhận về quyền tác giả. Rất nhiều biên tập viên cũng e dè khi tham gia phong trào này. 

Minh họa: Timo Kuilder/Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Cái tên Nous được nghĩ ra sau khi RogueESR đã dành gần một năm để phản đối kể từ khi luật sửa đổi nghiên cứu Pháp được ban hành nhằm giới thiệu nhóm nghề nghiên cứu tạm thời [temporary research jobs]. RogueESR tin rằng, sự thay đổi này có thể đe doạ tự do học thuật và an toàn nghề nghiệp. Đặc biệt là khi bộ luật mới quá  đề cao những chỉ số nghiên cứu – như số lượng công bố hay số lượng trích dẫn – và đặt nặng thành tích cá nhân, điều này có thể gây ra những tổn hại cho văn hoá nghiên cứu. 

Khi ấy, những thành viên của RogueESR đã có một ý tưởng: Nếu họ đưa một cái tên ảo vào trong danh sách tác giả của các bài báo thì sao? “Hàng trăm trích dẫn sẽ khiến ‘tác giả’ này trở thành cái tên được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới” nhóm chia sẻ trong một bản tin “với mục tiêu phá vỡ  những hệ số thống kê thư mục lượng và cho thấy sự lố bịch của việc có những đánh giá con người qua các con số. ” Cái tên Camille được sử dụng vì tính vô giới và lịch sử gắn liền với phong trào phản đối chính trị tại pháp. Họ Nous thì là sự chơi chữ giữa từ ‘chúng ta’ (nous) trong tiếng Pháp và chữ νοῦς trong tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là lý trí. Đại diện của nhóm RogueESR, mặc dù muốn giữ kín danh tính để đảm bảo an toàn, chia sẻ rằng cái tên chính là một lời tuyên bố về giá trị của nhà nghiên cứu. 

Tuy nhiên ý tưởng này sẽ gặp phải vấn đề về đạo đức nghiêm trọng, Rasmussen chia sẻ: Sự công nhận về quyền tác giả phải đi kèm sự trách nhiệm và việc chịu trách nhiệm . Và trong trường hợp của Nous thì không ai sẽ đứng ra lãnh chịu trách nhiệm đó. Mặc dù RogueESR tuyên bố rằng cái tên Nous sẽ rút khỏi bất cứ bài báo bị nghi ngờ về tính liêm chính, Rasmussen lo ngại rằng khi Nous sẽ trở nên quá phổ biến, cái tên sẽ bị lạm dụng ngoài tầm kiểm soát của nhóm. 

Mặt khác, Jean-Philippe Lansberg, một nhà vật lý học tại CNRS, một viện nghiên cứu quốc gia Pháp, nói rằng cái tên là ‘một cách phản đối lịch sự và vô hại’. Cũng chính một trong những người đã thêm tên Nous lên một bài báo được đăng tại Physics Letters B và đây hiện vẫn là bài được trích dẫn nhiều nhất của Nous, Lansberg tin rằng đây là một nỗ lực nhằm làm rõ những điểm yếu của những quy tắc làm tác giả. Nhất là trong vật lý năng lượng cao, ông chia sẻ, danh sách tác giả dài gây cản trở cho việc mọi người có thể chịu trách nhiệm thật sự cho nghiên cứu của họ. Phong trào Nous cho thấy những quy chuẩn về việc làm tác giả và những số liệu liên quan là nghèo nàn và vô lý. 

Tương tự như Lansberg, nhiều tác giả đã không thông báo cho các biên tập rằng Nous không phải là người thật. Đại diện cho Scientific Reports đã nói với báo Science rằng đã có nhiều sự lo ngại về những bài báo có tên Nous vì vậy các bài báo đang trong quá trình bị điều tra. Một bài báo trên tờ Physic Review B đã đăng thông báo đính chính rằng Nous xâm phạm/đi ngược lại với các chính sách của báo và đã lược bỏ cái tên đó. 

Chưa kể, Rasmussen còn lo ngại cho sự nghiệp tương lai những nhà nghiên cứu trẻ mà chia sẻ sự nhiệt tình của những người đi trước trong việc tham gia vào phòng trào Nous. 

Mặc dù không đưa ra ngay những hướng dẫn từ ban đầu về việc làm rõ với các biên tập, RogueESR hiện đang khuyến khích các tác giả nói rõ với biên tập ý nghĩa thực sự của Nous. Đại diện nhóm cũng chia sẻ rằng các tạp chí tại  Pháp thì dường như đều thoải mái với ý tưởng này trong khi những tạp chí quốc tế thì có vẻ khó khăn hơn. 

Trong một trường hợp, một nhóm các nhà toán học đã lựa chọn gắn bó với Nous và rút bài báo của mình khỏi kỷ yếu hội thảo Royal Society of Edinburgh Section A sau khi ban biên tập quyết định không đưa tên Nous vào. Tại một diễn biến khác, biên tập của tờ Solar Physics từ chối nhận những bài báo của Nous với lý do rằng những tiêu chuẩn được đưa ra bởi Hội đồng Đạo đức Xuất bản yêu cầu mỗi tác giả đều phải có những đóng góp có giá trị và chịu trách nhiệm về nội dung của bài.

Mục tiêu chung của khoa học mở và hợp tác là một ý tưởng đáng ngưỡng mộ, những việc thách thức tiêu chuẩn về quyền tác giả cần có những lý do chính đáng. Và tôi chưa rõ là nhóm cần tên tác giả này để đạt được bất cứ điều gì nêu trên” – Rasmussen chia sẻ.

Nhật Hoa lược dịch

Nguồn

Cathleen O’Grady. (March 16, 2021). Who is Camille Noûs, the fictitious French researcher with nearly 200 papers? Science | AAAS

Leave A Comment