BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐẠI DỊCH

Đại dịch Covid-19 không khác gì một cơn cuồng phong bất ngờ đổ ập tới càn quét toàn bộ nền kinh tế thế giới. Hậu quả nó để lại là tình trạng thất nghiệp tăng mạnh kèm theo tháng ngày dài không có thu nhập của người đi làm. Các nghiên cứu gần đây của Sumner, Hoy và Ortiz-Juarez cho rằng những tác động tiêu cực của Covid-19 có thể đã xóa sổ nỗ lực xóa đói giảm nghèo của nhân loại suốt 3 thập kỷ qua. Trong khi một số lượng nhỏ bằng chứng chỉ ra tác động mạnh mẽ hơn của đại dịch đối với triển vọng thị trường lao động của nữ giới khi so sánh với nam giới ở Mỹở Anh thì gần như không có bất kỳ nghiên cứu nào gần đây hướng sự chú ý tới tác động của Covid-19 tới bất bình đẳng giới trong bối cảnh đa quốc gia. 

Để tìm hiểu rõ hơn, nhóm tác giả Đặng Hoàng Hải Anh (Nhóm Dữ liệu Phát triển, Ngân hàng Thế giới; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Nguyễn Việt Cường (khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội; Viện nghiên cứu và phát triển Mekong) đã tiến hành nghiên cứu và công bố kết quả trong bài báo “Gender inequality during the COVID-19 pandemic: Income, expenditure, savings, and job loss” (tạm dịch: “Bất bình đẳng giới trong đại dịch thể hiện qua thu nhập, chi tiêu, việc tiết kiệm và tình trạng thất nghiệp”). Nghiên cứu sử dụng số liệu thu thập được từ 6 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Anh và Mỹ, từ đó, lấy các quốc gia trên làm cơ sở đi đến kết luận của nghiên cứu. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí World Development (Q1 Scopus; 2020 JIF = 3.869) tháng 4 năm 2021.  

Sau đây là sơ lược kết luận của nghiên cứu:

  • Nữ giới có nguy cơ mất việc vĩnh viễn cao hơn 24% so với nam giới. 
  • Nữ giới dự đoán lương của họ sẽ giảm nhiều hơn một nửa so với mức giảm của nam giới.
  • Nữ giới có xu hướng giảm mức tiêu thụ hay chi tiêu và tăng mức tiết kiệm. 
  • Kết quả nghiên cứu tại các quốc gia không đồng nhất có thể do tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động khác nhau.

Dưới tác động của dịch bệnh, tuy nguy cơ nữ giới mất việc vĩnh viễn cao hơn 24% so với nam giới nhưng khi nhắc về tình trạng “mất việc tạm thời”, bài báo không ghi nhận sự khác biệt giữa hai giới. Phụ nữ bi quan về tương lai hơn khi dự đoán mức giảm lương của họ nhiều hơn của nam giới tới 50%. Đó cũng có thể là lý do gần đây phụ nữ có xu hướng cắt giảm chi tiêu và gia tăng tiết kiệm. 

Bên cạnh đó, sự khác biệt về giới trong tỷ lệ tham gia vào ngành dịch vụ có thể là nguyên nhân của khoảng cách giới khi nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng nữ giới làm việc trong các ngành dịch vụ vượt trội hẳn so với nam giới tại 6 quốc gia được chọn làm bối cảnh của nghiên cứu.

Nhóm tác giả nhận thấy những tác động không đồng nhất của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ ở khắp các quốc gia. Phát hiện này cho thấy các chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ phụ nữ và các chính sách này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng quốc gia.

Chi tiết nghiên cứu: Dang, H. A. H., & Nguyen, C. V. (2021). Gender inequality during the COVID-19 pandemic: Income, expenditure, savings, and job loss. World Development, 140, 105296.

Leave A Comment