CUỘC CHẠY ĐUA NHÂN TÀI CỦA TRUNG QUỐC “CÓ THỂ ĐANG KHIẾN CÁC TRƯỜNG HỌC TRỞ NÊN YẾU KÉM HƠN”

Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng dự án Song Nhất Lưu (Double First Class initiative) của Trung Quốc nhằm đẩy các trường đại học nước này lên hàng đầu thế giới đang để lại nhiều tác động tiêu cực, khiến chính sách này xa rời khỏi mục tiêu ban đầu của nó.

Nghiên cứu phân tích các báo cáo tài chính từ các trường đại học Trung Quốc kết hợp phỏng vấn với các lãnh đạo đầu ngành được đăng trên tạp chí Higher Education chỉ ra rằng, nguồn tài trợ không đồng đều giữa các trường đang khiến tình trạng bất bình đẳng giữa các trường đại học ở miền đông giàu có và các trường ở miền trung cùng với miền tây thua kém hơn trở nên sâu sắc hơn. Ví dụ, ngân sách của đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh lớn hơn gấp sáu lần so với đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, mặc dù cả hai đều được phân loại là “đẳng cấp thế giới” (world class) trong dự án Song Nhất Lưu. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các học viện danh tiếng đã dùng lợi thế tài chính của mình để lôi kéo các học giả tài năng từ các trường khan hiếm nguồn lực hơn, gây ra chảy máu chất xám từ tây sang đông.

Hơn nữa, trong nỗ lực cạnh tranh giành ngân sách chính phủ, nhiều trường đại học đã đóng cửa các chương trình “yếu kém” và sử dụng các phương pháp như thuê các “học giả ngoài luồng” (shadow academic) để tăng số lượng trích dẫn. 

Ảnh: Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc

Được khởi động năm 2017, dự án Song Nhất Lưu bao gồm 42 trường đại học “đẳng cấp thế giới” (WCUs) và 108 ngành học “đẳng cấp thế giới” (WCDs), đã thay thế hai sáng kiến tương tự từ thập niên 1990. Nhìn chung, những nỗ lực này đã thành công đưa Trung Quốc lên cao trên bảng xếp hạng đại học thế giới: Đại học Thanh Hoa lần đầu tiên lọt vào top 20 trường đại học thế giới vào năm nay. 

Dự án Song Nhất Lưu gây áp lực lên các trường phải vượt trội trên nhiều tiêu chí liên quan đến xếp hạng, hứa hẹn phần thưởng tài chính hậu hĩnh cho những trường đạt được mục tiêu. Chính phủ đã chi hàng tỉ đô la, cho rằng tài trợ và ý chí chính trị sẽ đủ để tạo ra những đại học đẳng cấp thế giới. 

Tuy nhiên, nghiên cứu trên Higher Education cho rằng dự án này đang tổn hại đến sự đa dạng về ngành học cũng như sự bình đẳng giữa các trường.

Để so sánh sự khác biệt vùng miền, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sư phạm Thượng Hải, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung và University College London (UCL) đã phỏng vấn những người điều hành ở ba trường đại học WCU từ miền đông, miền trung, và miền tây đất nước.

Người điều hành một trường đại học miền trung cho rằng: “Các đại học danh giá càng ngày càng lớn mạnh, trong khi số còn lại phải chịu bất lợi nhiều hơn.”

Người điều hành một đại học miền tây cho biết rằng trong mười năm trở lại đây, 100 giáo sư của họ đã bị các trường phía đông lôi kéo đi hết. Hành vi này vẫn tiếp diễn bất chấp việc Bộ Giáo dục không ủng hộ. Họ nói rằng: “Những trường đại học nghiên cứu ở các tỉnh miền đông là mối nguy lớn nhất đối với chúng tôi.”Một số tỉnh đã phải đặt ra 80% ngân sách nhân sự của họ để giữ giáo sư khỏi các đối thủ cạnh tranh.

Những đại học chịu áp lực phải trở thành trường “đẳng cấp thế giới” trước thời hạn cũng đã phải tìm đến “kiến thức làm sẵn” từ “các học giả ngoài luồng”, nghĩa là thuê những nhà nghiên cứu sau đại học hoặc phụ tá trong một thời gian ngắn để nhanh chóng xuất bản nhiều trích dẫn trên các tạp chí tiếng Anh. Họ được gọi là “ngoài luồng” vì họ thường không xuất hiện trong khuôn viên trường. 

Người điều hành trường đại học miền đông cho rằng các trường “không có hứng thú hay kiên nhẫn để chờ các học giả trẻ phát triển.” Ngoài ra, trong các trường còn có sự thiên vị rõ ràng đối với các lĩnh vực khoa học, những lĩnh vực không chỉ mang đến số lượng trích dẫn lớn mà còn không bị dính vào các chủ đề chính trị hoặc gây tranh cãi. Trong số 465 khoa hoặc chương trình của WCDs, 359 – hay 77% – có liên quan đến STEM.

Do nguồn tài trợ chính phủ có thể chênh lệch theo ngành, một số trường đại học đã đóng cửa các khoa hoặc chương trình “yếu kém” để “chen chân vào” việc chỉ định WCD. Một trong số các trường được phỏng vấn đã phải đóng cửa hoàn toàn khoa giáo dục của mình. Theo nhân viên, sự “hy sinh” này nhằm xây dựng đại học “lớn mạnh” hơn và dễ dàng thu hút nguồn vốn chính phủ hơn. 

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng về lâu về dài, “chiến thuật này không những không thúc đẩy các đại học lớn mạnh hơn, mà lại làm họ trở nên yếu kém”. Ngoài ra, “nó còn có khả năng hủy hoại bản chất tự do của giáo dục”, và sẽ “cho học sinh ít lựa chọn ngành học hơn”.

Hương Ly lược dịch

Nguồn: Joyce Lau. (February 25, 2021). Chinese excellence drive ‘may make universities weaker. Times Higher Education.

Leave A Comment