CUỘC CHIẾN CHỐNG CÁC “XƯỞNG SẢN XUẤT” BÀI BÁO KHOA HỌC

Laura Fisher trở nên nghi ngờ khi cô nhận thấy có một loạt bản thảo nộp tới tạp chí RSC Advances có nhiều điểm tương đồng nhau. Mặc dù tất cả đều không có chung tác giả hay cơ sở liên kết, nhưng các bảng biểu và tựa đề lại giống nhau tới mức đáng báo động. 

Một năm sau, vào tháng Một năm 2021, Fisher đã rút 68 bài báo khỏi tạp chí của mình. Hai biên tập viên khác của hai tạp chí khác thuộc Hiệp hội Hóa học Hoàng gia cũng rút 2 bài báo vì lý do tương tự, cùng với đó là 15 bài vẫn đang trong diện điều tra. Fisher dần dần nhận ra rằng, những bài báo đó là sản phẩm của những ‘xưởng sản xuất’ bản thảo (paper mill), tức là những công ty chuyên sản xuất các bản thảo giả mạo theo đơn đặt hàng. Tất cả các bài báo trên đều đến từ các tác giả ở các bệnh viện Trung Quốc. Nhà xuất bản của các tạp chí trên, tức Hiệp hội Hóa học Hoàng gia, đã đưa ra tuyên bố rằng họ là nạn nhân của “một hệ thống sản xuất nghiên cứu giả mạo” có tổ chức.

Minh họa: CRUSCHIFORM/Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Điều đáng ngạc nhiên ở đây không chỉ là hoạt động sản xuất bài báo, mà còn là việc một nhà xuất bản dám lên tiếng về một tình trạng mà các tạp chí thường giữ im lặng. Việc thừa nhận rằng họ đã bị “lừa” và đã công bố rất nhiều bài báo giả mạo là một việc không hề dễ dàng. Và RSC không phải là nạn nhân duy nhất. Tuyên bố của họ cũng chỉ ra rằng: “Chúng tôi là một trong số các NXB đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động này”. Kể từ tháng Một năm ngoái, theo một phân tích của Nature, các tạp chí đã rút ít nhất 370 bài báo liên quan tới hoạt động sản xuất bản thảo. Và vẫn còn nhiều bài báo khác đang trong quá trình điều tra.

Các hoạt động dọn dẹp bài báo này được tiến hành nhiều hơn trong năm vừa rồi vì nhiều nhà nghiên cứu không làm việc trong các ban biên tập hay nhà xuất bản đã công khai gắn cờ cảnh báo cho các công bố họ nghĩ rằng có liên quan tới hoạt động sản xuất bản thảo. Danh sách này bao gồm hơn 1000 nghiên cứu. Các biên tập viên quan ngại về vấn đề này tới mức vào tháng 9 năm ngoái, Ủy ban Đạo đức Xuất bản học thuật (Committee on Publication Ethics – COPE) đã tổ chức một diễn đàn dành riêng cho việc thảo luận về vấn đề “sự thao túng quá trình xuất bản có hệ thống thông qua các xưởng sản xuất bản thảo”. 

Diễn giả khách mời của diễn đàn hôm đó là Elisabeth Bik, một nhà phân tích về liêm chính trong nghiên cứu ở California. Bik được biết tới nhờ khả năng nhận diện các hình ảnh trùng lặp trong các nghiên cứu, và là một trong những người đầu tiên bày tỏ quan ngại về vấn đề xưởng sản xuất bản thảo. 

Bắt đầu từ tháng Một năm 2020, Bik cùng những khoa học khác đã đăng tải một danh sách hơn 400 bài báo đã công bố mà họ nghi ngờ rằng đó là sản phẩm của xưởng sản xuất bài. Trong suốt 1 năm vừa rồi, họ liên tục cập nhật danh sách, và tính đến tháng Ba năm 2021, con số đã lên tới hơn 1300 bài.

Các tạp chí bắt đầu xem xét các bài báo này. 26% đã bị rút hoặc đang được dán nhãn quan ngại (expressions of concern). Nhiều bài khác vẫn đang trong diện điều tra. Không phải tất cả các bài được báo cáo nghi vấn đều có vấn đề. Chris Graf (giám đốc liêm chính khoa học tại Wiley) nói rằng nhà xuất bản sau khi điều tra 73 bài báo trong danh sách của Bik đã nhận thấy có 11 bài không có dấu hiệu sai phạm. Bên cạnh đó, có 7 bài cần phải chỉnh sửa và 55 bài bị rút hoặc sắp bị rút.

Các nhà xuất bản thường không bao giờ tuyên bố trong một thông báo rút bài rằng nghiên cứu đó là giả mạo hay được tạo ra bởi một xưởng sản xuất bài, bởi điều này khó để chứng minh. Tất cả các thông báo rút bài của RSC đều không nhắc đến cụm “xưởng sản xuất bài”, mặc dù thông báo chung của RSC có nói rằng họ nghĩ những bài báo này đến từ đó. Nhưng Nature đã đánh dấu 370 bài báo bị rút từ tháng Một năm 2020 (tất cả đều đến từ các tác giả từ các bệnh viện Trung Quốc) là những sản phẩm của các xưởng đó theo các cáo buộc của nhà xuất bản hoặc nhà nghiên cứu điều tra độc lập. 

Gian lận một cách công nghiệp hóa

Vấn đề gian lận một cách có tổ chức trong lĩnh vực xuất bản học thuật không hề mới, và cũng không chỉ có ở Trung Quốc. Catriona Fennel, trưởng phòng dịch vụ xuất bản tại Elsevier nói rằng họ có bằng chứng về các gian lận ở một số nước khác bao gồm Iran và Nga. 

Trung Quốc từ lâu đã có vấn đề với các xưởng bán các bản thảo cho các nhà nghiên cứu. Năm 2010, một nhóm dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu quản lý khoa học Shen Yang ở Đại học Vũ Hán ở Trung Quốc, đã cảnh báo giới khoa học Trung Quốc về một trang web cung cấp dịch vụ viết hộ các nghiên cứu ảo hoặc trả phí để giúp vượt qua vòng phản biện đồng nghiệp. Năm 2013, tạp chí Science đã báo cáo về một chợ mua bán quyền đứng tên tác giả trên các bài báo khoa học ở Trung Quốc. Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) đã tuyên bố điều tra tới cùng các vi phạm học thuật sau bê bối 107 bài báo bị rút khỏi tạp chí Tumor Biology; quá trình phản biện đồng nghiệp đã bị làm giả và điều tra của MOST đã kết luận rằng một số bài báo được sản xuất bởi một bên thứ ba.

Các bác sĩ ở Trung Quốc là đối tượng chính mà các chợ bán bài như trên nhắm tới vì họ thường cần xuất bản nhiều để được thăng chức, nhưng họ lại quá bận rộn với công việc ở bệnh viện. Tháng Tám năm ngoái, cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh đã đưa ra một chính sách yêu cầu bác sĩ điều trị (attending physician) nếu như muốn được lên vị trí bác sĩ phó khoa (deputy chief physician) cần đứng tên tác giả chính trên ít nhất hai bài báo thuộc các tạp chí chuyên nghiệp; và để lên vị trí bác sĩ trưởng khoa thì con số này là ba. 

Changqing Li, một bác sĩ và nhà nghiên cứu về bệnh tiêu hóa từng làm việc tại Trung Quốc và hiện đang sống ở Mỹ, cho rằng chính sách trên đã mang tới những hệ quả tàn phá nền khoa học Trung Quốc. “Hiếm còn ai còn tin vào các nghiên cứu tiếng Trung hay tham khảo, trích dẫn chúng nữa.”, Li nhận định.

Tình trạng này cũng làm ảnh hưởng tới danh tiếng của các nhà khoa học Trung Quốc nói chung. Các biên tập viên của các tạp chí hàng đầu ngày càng trở nên nghi ngại các bản thảo đến từ các nhà nghiên cứu ở bệnh viện Trung Quốc. 

Các bộ khoa học và giáo dục Trung Quốc đang nỗ lực thực thi các biện pháp ngăn chặn các hành vi khoa học kém chất lượng này. Họ đã đưa ra một thông báo vào tháng Hai năm ngoái yêu cầu các cơ sở nghiên cứu (bao gồm các bệnh viện) không xét duyệt việc thăng chức chỉ dựa trên số lượng công bố quốc tế, cũng như ngưng việc thưởng tiền cho các bài báo quốc tế. Tháng Tám vừa rồi, Trung Quốc cũng đã giới thiệu các biện pháp ngăn chặn các hành vi sai trái trong nghiên cứu, bao gồm cả các nỗ lực ngăn chặn các bên thứ ba độc lập thường ngụy tạo dữ liệu thay cho các nhà nghiên cứu.

Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng các biện pháp đó đang bắt đầu có tác dụng. Tuy vậy một số biên tập viên vẫn nói rằng họ chưa thấy sự suy giảm về số lượng các bản thảo nghi vấn là đến từ các xưởng sản xuất bài nộp tới tạp chí của họ.

Dấu hiệu của bài báo có vấn đề

Các nhà điều tra và tính liêm chính của việc sử dụng hình ảnh (image-integrity sleuth) và các biên tập viên tạp chí đã xác định ra một loạt các dấu hiệu có thể giúp nhận diện các bản thảo nghi vấn. 

Các dấu hiệu này bao gồm: các bài báo có các tác giả khác nhau đến từ các cơ sở khác nhau nhưng lại có chung những đặc điểm như có các bản phân tích thẩm tách miễn dịch (western blot analyses) có nền giống nhau và đường viền quá rõ nét, các biểu đồ có bố cục giống nhau dù chính xác là đang minh họa cho các thí nghiệm khác nhau, hoặc có các bảng đếm tế bào dòng chảy (flow cytometry analyses) y hệt nhau. Nhìn chung, các bản thảo đó dường như được sản xuất sử dụng một khuôn mẫu bài, với các từ ngữ và hình ảnh được biến đổi một chút để nhìn không quá giống nhau.

Minh họa: John Devolle/Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Ở diễn đàn của COPE diễn ra cuối tháng Chín năm ngoái, Bik cũng cung cấp thêm một số dấu hiệu nghi vấn để các biên tập viên cảnh giác, bao gồm việc phải để ý hơn các bản thảo đến từ các bệnh viện Trung Quốc và có các email liên hệ không liên quan gì tới tên tác giả. “Xét riêng lẻ thì các yếu tố đó không có vấn đề, nhưng đặt chung chúng với nhau thì chúng ta cần phải lưu ý”, Bik chia sẻ. Các biên tập viên cũng giới thiệu ScholarOne, một hệ thống xử lý bản thảo có thể nhận diện các hành vi bất thường khi có các bản thảo được gửi đi từ cùng một địa chỉ máy tính.

Vào tháng Hai, tạp chí Naunyn-Schmiedeberg’s Archives of Pharmacology cũng đưa ra thông báo rằng họ đang bị ảnh hưởng bởi các xưởng sản xuất bài. Họ đã công bố một bài viết của ban biên tập chỉ ra các yếu tố quan trọng để nhận diện các bài báo đến từ những xưởng đó. Các yếu tố này bao gồm các địa chỉ email không có tính học thuật (mà có vẻ khá phổ biến với các học giả Trung Quốc), tác giả không thể cung cấp dữ liệu thô khi được yêu cầu và tiếng Anh kém. 

Chúng ta có rất ít thông tin về những người hay những công ty đang làm việc này

Các nhà xuất bản và cá nhân đang chiến đấu chống lại các hoạt động của các xưởng sản xuất bài cũng thừa nhận rằng những gì họ nhận thấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Những tương đồng về mặt hình ảnh, bảng biểu chỉ nhận diện được khi được đặt cạnh nhau để so sánh, và những đặc điểm đó có thể là những dấu hiệu hiển nhiên nhất ta có thể nhận diện được. Có thể còn cả tấn những bài báo từ các xưởng này đã che dấu được các sai phạm của mình một cách cẩn trọng hơn. 

Nhiều người cho rằng tổng cộng phải có tới hàng ngàn đến hàng chục ngàn các bài báo từ các xưởng sản xuất đó. “Chúng ta có rất ít thông tin về những người hay những công ty đang làm việc này”, Graf quan ngại. 

Jana Christopher, một nhà phân tích tính liêm chính của hình ảnh sử dụng trong nghiên cứu tại NXB FEBS Press, cho rằng tình trạng này đang hủy hoại toàn bộ giới khoa học vì chúng khiến khoa học và các nhà khoa học trở nên mất uy tín. Nghiêm trọng hơn là các nghiên cứu giả mạo trong lĩnh vực ung thư. Jennifer Byrne, một nhà nghiên cứu về tế bào ung thư tại Đại học Sydney, đã nhận diện rất nhiều bài báo giống nhau và có vẻ như chỉ thay đổi loại ung thư và loại gen trong nghiên cứu. Cô nhận ra những nghiên cứu đó là có vấn đề khi chúng liệt kê các chuỗi nucleotide không chính xác, chứng tỏ rằng thí nghiệm đó không thể thực hiện được. “Con người vẫn đang ngày ngày chết vì ung thư – đó không phải là một trò chơi”, Byrne lo lắng. 

Các bài báo zombie

Các biên tập viên biết rằng việc họ từ chối các các bản thảo giả mạo không giết chết bài viết đó mãi mãi. Nó có thể được nộp tới các tạp chí khác và được công bố ở nơi nào đó. 

Minh họa: Four Plus/Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Christopher chia sẻ một trải nghiệm tương tự khi cô đã khuyên 2 tạp chí thuộc NXB của mình từ chối 13 bản thảo có dấu hiệu gian lận. Và khi nhận thấy một số tạp chí khác đang công bố những bài báo tương tự, cô đã đăng tải một bài viết cảnh báo về tình trạng này và thúc giục các tạp chí điều tra kỹ càng hơn. Cô cũng cố gắng gửi thư cảnh báo riêng các tạp chí không thuộc NXB của mình. Chẳng hạn, năm 2018, cô cùng quản lý biên tập viên của FEBS Letters đã khuyên tạp chí Cellular Physiology and Biochemistry xem xét lại một bài báo công bố ở đó vì có dấu hiệu giả mạo. Nhưng Karger – nhà xuất bản của tạp chí khi đó không hề biết tới những cảnh báo đó, cho tới khi bài báo này lại một lần nữa bị nêu ra trong danh sách của Bik. Karger hiện đang điều tra lại toàn bộ các bài báo cùng với NXB hiện tại của tạp chí.

Một số tạp chí đã thay đổi quy trình phản biện – biên tập của mình để chống lại các sai phạm có tổ chức. Chẳng hạn, một số tạp chí của Elsevier đã thay đổi phạm vi (scope) của tạp chí để tránh các chủ đề/lĩnh vực thường là mục tiêu của các xưởng sản xuất bài. Nhiều NXB khác thì nói rằng tạp chí của họ đã thêm vào quy trình bước yêu cầu dữ liệu thô đằng sau các bảng western blot từ các tác giả. Yêu cầu dữ liệu thô là một trong những cách chính để các biên tập viên lọc xem liệu bài báo đó có thể có vấn đề gì không. Nhưng ngay cả dữ liệu thô cũng có thể bị giả mạo, nhất là nếu như các xưởng sản xuất bài đó nắm bắt được đó là một phần trong quy trình phản biện.

Một tạp chí nói rằng khi họ bắt đầu điều tra các bài báo nghi vấn, nhiều tác giả đã nhanh chóng rút lại bản thảo. Một số thì gửi các bộ dữ liệu thô ở các dạng thức không thể đọc được hoặc không có dán nhãn. Trong những trường hợp đó, các biên tập viên cũng nói rằng họ không biết nên rút bài báo luôn hay làm gì khác, và đang chờ đợi các chỉ dẫn từ COPE. Bik cũng chỉ ra rằng một số tạp chí đang cho phép các tác giả rút bài mà không nêu rõ lý do rút. 

COPE nói rằng họ sẽ cập nhật các hướng dẫn về cách thức xử lý các thao túng có hệ thống này, cũng như thiết lập một nhóm đặc nhiệm gồm các biên tập viên thành viên của họ để xác định tổ chức có thể hỗ trợ vấn đề này như thế nào.

Hướng đi sắp tới

Các NXB nói rằng họ đang bị hạn chế trong việc chia sẻ thông tin giữa các tạp chí, vì ngay cả các tạp chí cùng trong một NXB cũng có ban biên tập độc lập với nhau. Họ cũng cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin về một tác giả vì có nguy cơ phỉ báng danh dự, và vì các luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của tác giả.

Một khi những người giả mạo thành công trong việc công bố một bài báo trong một tạp chí nhất định, họ sẽ tiếp tục công bố ở đó, vì thế có những tạp chí chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn những chỗ khác. Chẳng hạn, tạp chí European Review for Medical and Pharmacological Sciences đã rút tới 186 bài báo từ khi bắt đầu điều tra tình trạng này vào tháng Một năm 2020. Phần lớn trong số này được chỉ ra nhờ Bik và Smut Clyde.

Nhiều tạp chí đang bắt đầu tuyển dụng các chuyên gia phân tích để chỉ ra các vấn đề trong các bản thảo. Chẳng hạn, năm ngoái, Wiley đã tuyển và đào tạo 11 người chuyên để chỉ ra các hình ảnh bị thao túng trong các bản thảo ở 24 tạp chí, đặc biệt tập trung vào các bài báo đã được công bố. Họ mong rằng quy trình này sẽ được mở rộng ra nhiều tạp chí khác. 

Nhiều NXB muốn tự động hóa quá trình lọc này. Họ đã hợp tác với các nhóm nghiên cứu để phát triển các phần mềm nhận diện các hình ảnh trùng lặp ở các bài báo đã công bố. Các phần mềm này đều đang phát triển nhưng vẫn chưa đủ để phân tích ở quy mô lớn. Để làm được việc đó cần một cơ sở dữ liệu hình ảnh khổng lồ để các nhà xuất bản có thể nhận diện những sự trùng lặp giữa các bài báo. 

Suzanne Farley, giám đốc liêm chính nghiên cứu ở Springer Nature, cho rằng tỉ lệ các bài báo đến từ các xưởng sản xuất bài sẽ giảm. “Các xưởng đó cũng nhận thức được rằng các NXB đang ngày càng giỏi hơn trong việc nhận diện các sai phạm, và các khách hàng tiềm năng của các xưởng đó cũng sẽ  nhận thức rõ hơn các hệ quả nghiêm trọng từ việc sử dụng các dịch vụ này”, Farley nhận định. 

Nhưng Christopher lo rằng một cuộc đua vũ trang sẽ được khơi mào nếu những kẻ gian lận trở nên ngày càng giỏi hơn ở việc che giấu các lỗi hiển nhiên. Một ấn phẩm tiền xuất bản (preprint) đăng tải trên bioRxiv năm ngoái đã nhận định rằng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra các bản western blot giả không thể phân biệt với các bản thật. “Tôi vô cùng lo lắng rằng các hành vi giả mạo sẽ còn tinh vi hơn nữa”, Christopher bày tỏ. 

Linh Chi lược dịch

Nguồn: Holly Else & Richard Van Noorden (March 23, 2021). The fight against fake-paper factories that churn out sham science. Nature News Feature.

Leave A Comment