Mã Phản ứng Nhanh (QR code) được phát triển lần đầu vào năm 1994 bởi Tập đoàn Denso Wave tại Nhật Bản. Kể từ đó, ứng dụng này được phổ cập sử dụng như một con dấu nhận dạng đối với mọi loại sản phẩm thương mại, quảng cáo và các thông báo công khai khác. Trong các bài viết học thuật, mã QR được sử dụng để làm đường dẫn nhanh tới trang chủ tạp chí hoặc nội dung cụ thể như hình ảnh và video. Một đoạn mã QR được tạo ra rất đơn giản bằng phần mềm không tốn chi phí, mà có thể sử dụng được lâu dài mà chất lượng không hề giảm sút. Do đó, để tăng khả năng tương tác cho các bài viết của mình, đã đến lúc các biên tập viên phải tích hợp thêm mã QR vào bài viết của họ. Bài viết này sẽ giới thiệu tóm tắt về mã QR cũng như cách sử dụng, dựa trên hướng dẫn gốc của Denso Wave.
Mã QR là gì?
Mã QR lần đầu được tạo ra vào năm 1994 bởi Tập đoàn Denso Wave tại Nhật Bản. Denso Wave là công ty mẹ của Toyota. Mã QR được phát triển với mục đích để các nhà máy sản xuất xe hơi có thể quản lý các phụ tùng xe tồn kho.
Mã QR là viết tắt của Quick Response code, là một đoạn mã vạch ma trận có thể đọc được bằng máy, chứa thông tin về mặt hàng hoặc sản phẩm được liên kết với nó. Với mã vạch thông thường, thông tin chỉ được mã hóa chỉ từ một chiều. Trong khi đó, mã QR là loại mã hai chiều, thông tin có thể được mã hóa từ cả chiều ngang và chiều dọc. Nó có thể đọc được dễ dàng và có khả năng chứa một lượng lớn thông tin trong đó. Mặc dù Denso Wave có thể chọn đăng ký bằng sáng chế cho phát minh này, nhưng công ty đã tuyên bố rằng điều đó sẽ không đem lại lợi ích cho họ, và với mục tiêu của họ là mã QR có thể được sử dụng bởi càng nhiều người càng tốt. Vì thế ngày nay mã QR có thể được sử dụng tự do trên khắp thế giới mà không phải bận tâm về vấn đề bản quyền.
Mã hóa dữ liệu dung lượng cao
Đặc tính quan trọng nhất của mã QR chính là khả năng có thể mã hóa một lượng dữ liệu khổng lồ. Mã vạch thông thường chỉ có thể lưu trữ tối đa 20 chữ số, trong khi đó mã QR có thể chứa một lượng thông tin nhiều gấp trăm lần. Mã QR có thể chứa đủ các loại dữ liệu, ví dụ như thư từ, chữ số, ảnh, các tệp âm thanh hoặc video. Một đoạn mã QR có thể mã hóa tối đa hơn 7000 ký tự. Chẳng hạn như trong Hình 1, trong đoạn mã QR code đó có dung lượng để mã hóa 300 ký tự chữ số
Kích cỡ bản in nhỏ
Vì mã QR được thiết kế với cấu trúc hai chiều, nên nó có thể mã hóa được lượng dữ liệu nhiều gấp 10 lần so với mã vạch thông thường có cùng kích thước. Mã QR hoàn toàn có thể in siêu nhỏ để phù hợp với nhu cầu sử dụng (Hình 2).
Độ bền chống lại được bụi bẩn và tự sửa lỗi
Mã QR có tính năng tự chỉnh sửa lại lỗi. Dữ liệu trong đoạn mã QR có thể được hồi phục ngay cả khi một phần của đoạn mã đã bị hư hại hoặc phá hủy. Khả năng tái dựng dữ liệu phụ thuộc vào tỷ lệ hư hỏng (Hình 3).
Có thể đọc được từ mọi hướng trong 360 độ.
Mã QR được thiết kế để có thể đọc nhanh chóng từ mọi phương hướng nhờ vào các khuôn mẫu định vị ở ba góc của đoạn mã, định vị này cũng được thiết kế để tránh mã bị lẫn với phần phông nền. (Hình 4)
Tính năng kết hợp có cấu trúc
Một tính năng khác nữa của mã QR là khả năng liên kết với nhau. Một đoạn ký hiệu trong mã QR có thể chứa tối đa 16 ký hiệu nhỏ hơn chứa các thông tin khác nhau. Ưu điểm của cấu trúc này là có thể in ra được với kích thước nhỏ.. (Hình 5)
Ứng dụng của mã QR trong tạp chí khoa học
Trong Hình 8 là ví dụ của mã QR được sử dụng trong tạp chí học thuật. Một số tạp chí đính kèm mã QR trên bìa tạp chí, hay trên trang chủ, hay ở cuối mỗi bài viết, để người đọc có thể lập tức truy cập vào tài liệu được liên kết, dạng như một trang web, địa chỉ hay các thông tin liên lạc khác, video, ảnh hoạt họa, hoặc các nội dung web khác. Một ví dụ tạp chí học thuật sử dụng mã QR là tờ “Korean Journal of Urology” (Tạp chí Tiết niệu Hàn Quốc). Các biên tập viên tạp chí đính kèm thêm mã QR vào trang tiêu đề của mỗi bài viết. Nếu người đọc quét đoạn mã đấy, nó sẽ dẫn người đọc tới một video đi kèm đã được tải lên Youtube (Hình 8). Người đọc rồi sẽ xem một video về phẫu thuật với nhạc nền. Ở cuối bài viết là một đoạn mã QR nữa, dẫn tới các tài liệu bổ sung (Hình 9). Khi người đọc quét đoạn mã đó, một file PDF chỉ khả dụng trên web của tạp chí gồm các tài liệu bổ sung không có trong bài viết chính sẽ hiện ra.
Đọc và tạo mã QR
Đọc một đoạn mã QR khá đơn giản. Một cách là sử dụng thiết bị đọc mã như là máy quét cầm tay, thiết bị đầu cuối mã vạch cầm tay, hay máy quét cố định. Tuy vậy thiết bị phổ biến và tiện lợi nhất để đọc mã QR là điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng được trang bị camera. Để đọc mã QR bằng điện thoại, cần tải một ứng dụng về từ Google Play cho Android, hay App Store cho iPhone. Tìm kiếm từ khóa “QR code reader” sẽ cho ra một loạt các ứng dụng kết quả. Tất cả những ứng dụng đó đều có thể tải về miễn phí, và có thể đọc được bất cứ loại mã QR nào. Có thể bạn sẽ cần phải giữ yên máy ảnh tại chỗ một lúc tới khi có tiếng bíp báo rằng quá trình quét đã hoàn thành. Màn hình điện thoại thông minh sau đó sẽ dẫn người dùng tới địa chỉ URL nơi thông tin tài liệu được lưu trữ.
Ngoài việc đọc đoạn mã QR có sẵn, tự tạo ra mã QR của mình cũng không quá khó khăn. Bạn nên dùng máy tính xách tay để tạo mã, vì sau đó bạn có thể sử dụng ứng dụng đọc mã QR trên điện thoại để kiểm tra. Dĩ nhiên là bạn cũng có thể tạo được mã QR từ điện thoại, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Trên máy tính, các mã QR được tạo ra bằng các công cụ trên web. Gõ ‘QR code generator’ trên thanh tìm kiếm sẽ hiện ra những trang liên quan, ví dụ trang QR Code Generator. Trên trang đó, những mã QR có thể đính kèm theo đường dẫn tới văn bản miễn phí, một URL, thông tin liên lạc, hay tài khoản xã hội.
Tạo ra mã QR vô cùng đơn giản và hoàn toàn miễn phí. Mọi biên tập viên tạp chí nào cũng có thể tự tạo một mã QR theo ý mình. Mã QR rất hữu ích và tiện lợi cho các tạp chí, bài báo riêng lẻ, và thậm chí cả những tệp âm thanh hay video và các tài liệu bổ sung.
Quốc Việt, Lương Ánh Nguyệt lược dịch
Nguồn: Jae Hwa Chang. (2014). An introduction to using QR codes in scholarly journals. Science Editing.