Scopus, cơ sở dữ liệu học thuật được sử dụng rộng rãi sở hữu những bài báo đến từ hơn 300 tạp chí có khả năng là những tạp chí “săn mồi” với những thực hành xuất bản gây hoài nghi, một phân tích đã khám phá ra điều này. Tổng cộng, những tiêu đề tạp chí này đã đóng góp hơn 160 000 bài báo trong vòng 3 năm – chiếm gần 3% số lượng những nghiên cứu được chỉ mục trên Scopus trong cùng khoảng thời gian ấy. Sự xuất hiện của chúng trên Scopus và những nguồn cơ sở dữ liệu nghiên cứu phổ biến khác làm dấy lên mối lo ngại rằng những nghiên cứu kém chất lượng có thể tạo định hướng lệch lạc cho các nhà khoa học và có ảnh hưởng xấu đến những cơ sở tài liệu khoa học.
Anna Severin, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về phản biện đồng nghiệp tại Đại học Bern nhận định, “Có rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng đến từ việc có các bài báo săn mồi được chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín. Những nhà nghiên cứu có thể dựa trên những phát hiện kém chất lượng hay thậm chí giả mạo đó để dùng cho những nghiên cứu sau này của họ và trích dẫn những phát hiện ấy trong chính các công bố của mình, từ đó ngày càng lan tỏa hệ thống khoa học không đáng tin cậy đó.”
Tạp chí săn mồi là những tạp chí có xu hướng công bố, xuất bản những nghiên cứu khoa học có chất lượng thấp và thực hành biên tập lệch lạc. Họ có thể sử dụng những thông tin sai lệch hay những cách thức mời gọi đăng bài khẩn thiết, dai dẳng sau đó thu phí cho việc xuất bản mà chỉ thực hiện với rất ít sự cẩn trọng, nghiêm ngặt về mặt biên tập. Những nhà nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng một vài tạp chí như vậy đã được chỉ mục trong những cơ sở dữ liệu học thuật phổ biến ví dụ như PubMed dành cho ngành y sinh, nhưng còn khó để đo lường được tình trạng này đang diễn ra tới mức nào.
Để tiến hành nghiên cứu phân tích mới nhất được công trên Scientometrics vào ngày 07 tháng Hai vừa rồi, Vít Macháček và Martin Srholec, hai nhà kinh tế học tại một viện nghiên cứu kinh tế được điều hành bởi Đại học Charles và Học viện Khoa học Séc tại Prague đã so sánh những tiêu đề báo được chỉ mục trên Scopus với một danh sách những tạp chí có khả năng là tạp chí săn mồi. Tiêu chí cho tạp chí săn mồi trong nghiên cứu này là nằm trong danh sách Beal cho đến năm 2017. Họ thấy 324 trong số những tạp chí đáng nghi ngờ này trên cơ sở dữ liệu Scopus; và những tạp chí này đều công bố khoảng 164 000 bài báo trong khoảng từ năm 2015 đến 2017. Số lượng đó xấp xỉ với 2.8% của tổng số bài báo được chỉ mục trên nguồn cơ sở dữ liệu trong cùng khoảng thời gian ấy.
Scopus, cơ sở dữ liệu được vận hành bởi nhà xuất bản Elsevier – Hà Lan, phát biểu rằng họ đã ngừng chỉ mục những nội dung mới đối với 65% các tạp chí bị đánh dấu nghi vấn để đánh giá lại chất lượng do có những quan ngại về các hoạt động xuất bản. Điều đó có nghĩa rằng những bài báo đến từ những tạp chí này sẽ không còn được thêm vào nguồn cơ sở dữ liệu, tuy nhiên những nội dung cũ vẫn được chỉ mục, một phát ngôn viên nói. “Scopus đang cảnh giác, thận trọng trong việc xác định và đình chỉ những tạp chí vốn là tạp chí săn mồi hoặc đang trở nên như vậy.”
Việc những tạp chí săn mồi được có tên trong những cơ sở dữ liệu uy tín là một vấn đề bởi vì chúng có thể thay đổi, nâng cao chỉ số trích dẫn của tác giả. Điều này có thể tạo ra những khác biệt đáng kể tại các quốc gia nơi sự thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp của nhà nghiên cứu phụ thuộc nghiêm ngặt tới những chỉ số xếp hạng này.
Vào năm 2017, với nỗ lực giải quyết các vấn đề đến từ tạp chí săn mồi, PubMed đã phát hành bộ chỉ dẫn về những tiêu đề tạp chí mà các tác giả nên công bố công trình của mình trên đó. Nhưng việc theo sát những tạp chí này là rất khó khăn. Trong một nghiên cứu chỉ ra các tạp chí kém chất lượng trong cơ sở dữ liệu PubMed, hai tác giả Andrea Manca và Franca Deriu đã nhận định: “Các tạp chí săn mồi đang liên tục thay đổi tên cũng như nhà xuất bản và không ngừng phát triển về mặt số lượng.”
Thúy Quỳnh dịch
Nguồn
Dalmeet Singh Chawla. (February 08, 20201). Hundreds of ‘predatory’ journals indexed on leading scholarly database. Nature News.