HIỂU BIẾT VỀ SỨC KHỎE TINH THẦN TẠI VIỆT NAM: NGHIÊN CỨU KHÁM PHÁ KẾT HỢP ĐỊNH TÍNH VÀ ĐỊNH LƯỢNG

Nghiên cứu của các tác giả Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), Lâm Tứ Trung (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), Anh Dao và Bahr Weiss (Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ) với đề tài Mental health literacy at the public health level in low and middle income countries: An exploratory mixed methods study in Vietnam được công bố trên tạp chí PLoS ONE. Đây là tạp chí được SCIE chỉ mục và thuộc nhóm Q1 Scopus với CiteScore=5.2).

Tsjisse Talsma | CC BY-NC-ND 4.0

Hiểu biết về sức khỏe tâm thần (Mental Health Literacy – MHL) bao gồm 4 yếu tố (a) hiểu biết về các rối loạn sức khỏe tâm thần như các vấn đề thuộc sức khỏe, (b) hiểu biết các đặc điểm chung, nguyên nhân và phương thức điều trị; từ đó (c) giảm thành kiến/kỳ thị đối với các bệnh lý tâm thần và có được (d) năng lực nâng cao sức khỏe tâm thần và tìm kiếm sự hỗ trợ hiệu quả khi cần thiết. MHL được coi là chìa khóa cho sự phát triển sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà các nguồn lực sức khỏe tinh thần còn bị hạn chế. 

Việc phát triển hiểu biết về sức khỏe tâm thần diễn ra ở hai cấp độ:

Cấp độ cá nhân: thông qua các kênh trao đổi trực tiếp, hướng đến các đối tượng cụ thể: Ví dụ các chương trình tập huấn nhân viên trong một tổ chức hay đối tượng các học sinh

Cấp độ cộng đồng: Thông qua các kênh tiếp xúc gián tiếp như các phương tiện truyền thông đại chúng, hướng tới đối tượng là công chúng. Ví dụ các chiến dịch cộng đồng.

Mỗi cấp độ đều có ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên khác so với cấp độ cá nhân, ở cấp độ cộng đồng, các chuyên gia sẽ nắm vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ là những người tạo ra sự thay đổi và cung cấp các giải pháp nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần của cộng đồng.

Dựa trên bối cảnh đó, nghiên cứu này sử dụng kết hợp 2 phương pháp: nghiên cứu định lượng đo lường nhận thức của các chuyên gia Việt Nam về thực trạng MHL tại Việt Nam và nghiên cứu định tính để đào sâu và làm rõ hơn các ý kiến từ các chuyên gia về các vấn đề đó 

Hầu hết các chuyên gia tham gia vào nghiên cứu đều nhận thấy thực trạng mức độ hiểu biết về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đang ở mức thấp đến rất thấp. Nghiên cứu cũng chỉ ra 3 vấn đề về thực trạng: (1) Thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông về sức khỏe và các bệnh lý tâm thần; (2) Thiếu sót về quy định, giấy phép hành nghề cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần ngoài ngành y tế (ví dụ: nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội); (3) Thiếu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đến sức khỏe tâm thần. Đây cũng là những rào cản và những vấn đề trọng tâm cần được giải quyết để nâng cao và phát triển MHL tại Việt Nam.

Chi tiết nghiên cứu: Hoang-Minh Dang, Trung T. Lam, Anh Dao và Bahr Weiss. (2020). Mental health literacy at the public health level in low and middle income countries: An exploratory mixed methods study in Vietnam. PLoS ONE, 15(12):e0244573

Leave A Comment