KẾT NỐI THÔNG TIN VÀ TƯƠNG HỢP VĂN HÓA TRONG CHUỖI CUNG ỨNG: KHUYẾN NGHỊ CHO HIỆU SUẤT VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT

Tạp chí Business Process Management Journal đã đăng một nghiên cứu với tiêu đề “Supply chain communication and cultural compatibility: performance implications in the global manufacturing industry” của các tác giả Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học RMIT Việt Nam), George Onofrei (Học viện Công nghệ Letterkenny, Ireland) và Dothang Truong (Đại học Hàng không Embry-Riddle, Hoa Kỳ). Đây là tạp chí được SSCI chỉ mục, thuộc nhóm Q1 Scopus với Cite Score đạt 4.2.

Mục tiêu của nghiên cứu này xuất phát từ thực tế rằng các nghiên cứu trước đây thường chú ý tới những khác biệt văn hóa trong hợp tác chuỗi cung ứng một cách sâu rộng nhưng quên hướng tới tầm quan trọng của những đồng nhất trong văn hóa và mục tiêu tương ứng với nhau giữa các thành viên. Với sự phát triển của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, lựa chọn định hướng cho chúng là điều quan trọng. Nghiên cứu cho rằng sự khác biệt trong hiệu suất công việc giữa các chuỗi cung ứng này làm nổi bật thêm những khuyến nghị trong quản trị hướng tới sự phát triển bền vững.

Xuất phát từ lý thuyết giảm sự không chắc chắn (uncertainty reduction theory) và lý thuyết nguồn vốn xã hội (social capital theory), nghiên cứu đã phát triển một phép phân loại trong các doanh nghiệp sản xuất dựa trên mối liên kết quá trình giữa sự tương thích về mặt văn hóa và việc kết nối thông tin trong chuỗi cung ứng. Số liệu thực nghiệm trong nghiên cứu được thực hiện bởi dự án khảo sát GMRP (Global Manufacturing Research Group) thu thập từ 680 công ty sản xuất trải dài trong nhiều ngành, lĩnh vực và các quốc gia khác nhau.

Kết quả nghiên cứu nhận thấy có sự tồn tại ổn định của ba nhóm đối tượng chính: nhóm Tiên phong hành động (the Proactive), nhóm Sáng kiến (the Initiative), nhóm Thụ động phản ứng (the Reactive). Những nhà sản xuất tạo sự khác biệt cho mình chủ yếu dựa trên sự kết nối thông tin với khách hàng về các sự kiện và những thông tin đặc quyền. Các phép phân loại về tính tương thích văn hóa – thông tin có sự ảnh hưởng khác nhau đối với hoạt động vận hành và hiệu suất tài chính. Nhóm Sáng kiến – những công ty xuất sắc trong hoạt động giao tiếp đạt được những cải thiện đáng kể trong năng suất làm việc và cách thức truyền đạt thông tin. Trong khi nhóm Thụ động phản ứng chững lại thì nhóm Tiên phong hành động lại cho thấy sự liên kết  tốt hơn trong cả vận hành lẫn tài chính. Kết quả đã đề ra một cách tiếp cận từng bước để các nhà sản xuất tăng cường sự giao tiếp, kết nối thông tin với đối tác hướng tới hiệu quả công việc cao hơn và cách thức truyền đạt tốt hơn đồng thời kết hợp với những hoạt động văn hóa thực tiễn để đạt đến hiệu suất tài chính, chất lượng và cải tiến.

Kết quả của nghiên cứu này cũng mang lại những hàm ý thực tiễn về việc cung cấp một quá trình đưa ra quyết định từng bước cho kết nối thông tin chuỗi cung ứng và mang đến chỉ dẫn đặc biệt cho những nhà quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, giá trị của nghiên cứu nằm ở sự gia tăng đáng kể tính chuyên sâu, phong phú cho việc trao đổi thông tin lý thuyết bằng quá trình liên kết để thúc đẩy tương thích về văn hóa.

Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy tiềm năng phân tích sự phát triển theo chiều dọc mà sự so sánh giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển mà các nghiên cứu trong tương lai sẽ quan tâm và có thể thực hiện.

Chi tiết nghiên cứu

Hung Nguyen, George Onofrei & Dothang Truong (2020). Supply chain communication and cultural compatibility: performance implications in the global manufacturing industryBusiness Process Management Journal.

Leave A Comment