KỶ LUẬT BẠO LỰC TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Nhóm nghiên cứu gồm các tác giả Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng, Trần Quý Long và Nguyễn Hà Đông đến từ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới mới đây đã công bố các kết quả nghiên cứu của mình về kỷ luật bạo lực trẻ trong gia đình Việt Nam trên tạp chí Child Indicators Research

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Điều tra Đa Chỉ số theo cụm Việt Nam (MICS) trong các năm 2006, 2011 và 2014. Phân tích được phân tách theo tuổi của trẻ, giới tính, trình độ học vấn của mẹ, điều kiện tài chính, dân tộc, nơi cư trú (thành thị, nông thôn) và khu vực địa lý; các phân tích lưỡng biến và đa biến đã được thực hiện. 

Dữ liệu từ MICS năm 2014 cho thấy cứ ba trẻ em từ 1–14 tuổi thì có hai trẻ đã trải qua một số hình thức kỷ luật bạo lực. Đáng chú ý, trừng phạt thân thể là một thực hành phổ biến (được báo cáo trong 42,7% số gia đình). Trẻ nam có xu hướng bị áp dụng các hình thức kỷ luật bạo lực cao hơn một chút so với trẻ gái. Mức độ phổ biến của các hình thức kỷ luật bạo lực dao động, đạt đỉnh điểm khi trẻ trong khoảng 5–9 tuổi, sau đó giảm xuống ở giai đoạn trẻ 10–14 tuổi. 

Trẻ em có nguy cơ bị trừng phạt bạo lực cao hơn gấp bốn lần nếu mẹ/người chăm sóc chính của chúng coi trừng phạt thân thể là cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả trong số những trẻ em mà mẹ/người chăm sóc chính không chấp nhận hình phạt bạo lực, thì một tỷ lệ lớn trẻ em vẫn phải chịu hình phạt đó. Dữ liệu cũng cho thấy hình thức kỷ luật trẻ em bạo lực giảm đáng kể theo thời gian, mặc dù có sự thay đổi trong việc giảm các hình thức kỷ luật bạo lực. Trong khi mức các thực hành xúc phạm tâm lý đối với trẻ em có xu hướng giảm trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011, sự giảm thiểu về hình phạt thể chất mới được nhận thấy trong giai đoạn 2011–2014. 

Chi tiết nghiên cứu: Minh, N. H., Hong, T. T., Long, T. Q., & Dong, N. H. (2021). Violent Child Discipline in the Family: Findings from Vietnam Multiple Indicator Cluster Surveys. Child Indicators Research, 1-22.

Leave A Comment