LIÊN MINH CHÂU ÂU ĐỨNG TRƯỚC SỨC ÉP NGỪNG HỢP TÁC KHOA HỌC VỚI NGA

Sau khi Đức tuyên bố ngừng hợp tác với Nga trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu, ngài Christian Ehler, đại biểu Đức tại Nghị viện châu Âu, báo cáo viên chính tại Nghị viện Châu Âu về chương trình EU’s Horizon Europe, đã kêu gọi EU làm theo động thái này. Trong một tuyên bố vào ngày 25 tháng Hai, ông nói: “Tôi kêu gọi Ủy ban và Hội đồng châu Âu cắt đứt mọi quan hệ khoa học và nghiên cứu với Liên bang Nga.”

Ông cũng viết trên Twitter ngày 25 tháng Hai rằng: “Chúng ta cần phải cắt đứt mọi hợp tác khoa học và nghiên cứu giữa Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên và Nga. Chúng ta cần đứng về phía Ukraine và bảo vệ ngôi nhà châu Âu bằng mọi cách.”

Christian Ehler

Lời kêu gọi này đang lặp lại từng chữ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức. Trước đó, cơ quan này tuyên bố: “Cuộc tấn công của Nga vào #Ukraine là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà không thể có bất kỳ lời biện minh nào. Phải có những hậu quả đích đáng cho quốc gia này. Bằng những hành động của mình, Nga đã quay lưng lại với cộng đồng quốc tế ”.

Bộ này nói rằng bất kỳ sự hợp tác nào với Nga “giờ đây là bất khả thi” bởi bằng việc xâm lược Ukraine, Nga đã “phá vỡ mọi quy tắc của trật tự châu Âu mà chúng tôi tin tưởng”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức Bettina Stark-Watzinger cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Die Welt: “Đối với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, điều này có nghĩa là sự hợp tác lâu dài trong giáo dục đại học và nghiên cứu cũng như đào tạo nghề sẽ bị dừng lại trong giai đoạn hiện tại. ” Bà cũng cho biết, tất cả các hợp tác đang thực hiện và đã được lên kế hoạch với Nga đang được “đóng băng và xem xét nghiêm túc. Trước mắt, sẽ không có hợp tác nào mới ”.

Động thái này tuân theo khuyến nghị từ Văn phòng Ngoại giao Liên bang Đức về việc “đóng băng các mối quan hệ học thuật và cụ thể là các dự án khoa học với Nga”, được Peter-André Alt, chủ tịch Hội nghị Hiệu trưởng Đức (HRK), xác nhận vào thứ Năm ngày 24 tháng 2.

Đáng chú ý, đáp lại yêu cầu từ Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, cũng vào thứ Sáu, Liên minh các tổ chức khoa học ở Đức (Alliance of Science Organisations) đã đưa ra một tuyên bố thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, rằng hợp tác khoa học với Nga phải được “đóng băng tức thì”.

Liên minh nói trên bao gồm các tổ chức khoa học quan trọng nhất ở Đức và Hội nghị Hiệu trưởng Đức (HRK). Các thành viên của Liên minh bao gồm Quỹ Nghiên cứu Đức, đơn vị nắm quyền chủ trì trong năm 2022, Quỹ Alexander von Humboldt, Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD), Hiệp hội Fraunhofer, Hiệp hội Helmholtz, Hiệp hội Leibniz, Hiệp hội Max Planck, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Đức Leopoldina và Hội đồng Khoa học Đức.

Trong một tuyên bố, Liên minh đã khẳng định các đơn vị thành viên sẽ hỗ trợ các sinh viên và học giả phải rời Ukraine do sự xâm lược của Nga và khuyến nghị rằng hợp tác khoa học với “các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp” của Nga nên được đóng băng cho đến khi có thông báo mới, rằng các quỹ nghiên cứu của Đức không nên tiếp tục tài trợ cho Nga và không có dự án hợp tác khoa học mới nào nên được khởi xướng, bất chấp những hậu quả đối với khoa học.

Liên minh cho biết họ coi cuộc xâm lược của Nga là một cuộc tấn công vào các giá trị cơ bản của tự do, dân chủ và quyền tự quyết, là nền tảng cho tự do khoa học và các khả năng hợp tác khoa học.

Các thành viên của Liên minh từ lâu đã duy trì hợp tác khoa học đa dạng và hiệu quả với các đối tác ở Ukraine, những người mà họ cam kết “đoàn kết không hạn chế”, và trong thời gian tới, Liên minh vẫn giữ cam kết tiếp tục trao đổi và hợp tác sâu rộng với các đối tác Ukraine ở tất cả các cấp, trong trao đổi sinh viên cũng như trong xúc tiến các dự án nghiên cứu song phương, trong việc xây dựng cũng như sử dụng các cơ sở hạ tầng khoa học.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các sinh viên, các nhà khoa học phải rời bỏ đất nước của họ do hậu quả từ sự xâm lược của Nga, trong khuôn khổ các chương trình viện trợ toàn diện”, tuyên bố này cũng cho biết.

Liên minh cho biết họ đang được tham vấn về tình hình và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Liên bang Đức và các nhà ra quyết định chính trị khác về các bước tiếp theo sẽ được thực hiện trong cuộc khủng hoảng. “Tuy nhiên, ngay cả vào thời điểm hiện tại, chúng tôi khuyến nghị rằng hợp tác khoa học với các tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp ở Nga nên bị đóng băng một cách triệt để hơn nữa, và các quỹ nghiên cứu của Đức dành cho Nga không nên tiếp tục các hợp tác nghiên cứu. Cũng không nên bắt đầu các dự án hợp tác mới vào thời điểm hiện tại.”

Một thông cáo (bằng tiếng Đức) của chính phủ Đức tiết lộ sự hợp tác nghiên cứu giữa Đức với Nga rất sâu rộng. Do sự ưu tiên của Nga dành cho cơ sở hạ tầng thực hiện nghiên cứu, trong số bốn tổ chức nghiên cứu lớn của Đức, đối tác hợp tác quan trọng nhất của Nga là Hiệp hội Helmholtz (HGF), tổ chức đã đón 362 nhà nghiên cứu khách mời người Nga chỉ trong năm 2019.

Cũng trong năm 2019, khoảng 380 nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học khách mời người Nga đã hợp tác cùng Max Planck Society (MPG) thông qua 94 dự án. Số lượng này đã khiến Nga trở thành quốc gia có nhiều hợp tác nhất với Đức, vượt qua cả Anh và Pháp.

Phản ứng mạnh mẽ, nhanh chóng và đồng lòng của Đức đã khiến các nhà nghiên cứu châu Âu có cảm giác rằng họ đang bị dồn vào vị trí tương tự vì nước Đức có ngân sách nghiên cứu lớn nhất và nếu không có họ thì EU sẽ khó tiếp tục các dự án với Nga, mặc dù những dự án này có mục tiêu giải quyết những thách thức toàn cầu vì lợi ích của nhân loại.

Giáo sư Kurt Deketelaere, tổng thư ký của Liên đoàn các trường đại học nghiên cứu châu Âu (LERU), nói với University World News qua email rằng ông phản đối việc chính trị hóa nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu. “Chúng ta có nên trừng phạt các nhà nghiên cứu và trường đại học Nga vô tội (những người tự lên án chiến tranh) vì sự ngu ngốc của chính phủ và tổng thống của họ không?” ông đặt câu hỏi.

“Vì vậy, tôi phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên trước những tuyên bố của thành viên Nghị viên châu Âu ngài Ehler nếu đó thực sự là quan điểm của ngài. Có bao giờ chúng ta ngừng hợp tác với các nhà nghiên cứu và trường đại học Trung Quốc bởi chính phủ Trung Quốc bắt Hồng Kông ‘tái hòa nhập’ một cách bạo lực hay liên tục vi phạm không phận của Đài Loan không? “

Giáo sư Jan Palmowski, tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu châu Âu, cho biết: “Sẽ cần nhiều cuộc tranh luận hơn để đánh giá tác động của mối quan hệ với các trường đại học và tổ chức khoa học của Nga, bởi chúng tôi cũng muốn hỗ trợ những cộng đồng đại học ở Nga, những cộng đồng có chung những giá trị với chúng tôi và những giá trị này đều phản đối chiến tranh. “

Ông cho biết trọng tâm trước mắt của các trường đại học thành viên là hỗ trợ các cộng đồng Ukraine đối tác của họ và phát triển các cách thức mà các trường này có thể đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học mới từ những người tị nạn và người Ukraine phải di dời.

Ông Ehler đang tìm cách ban hành lệnh cấm các tổ chức do Nga kiểm soát tham gia vào chương trình Horizon Europe, chương trình nghiên cứu hàng đầu của EU và cho biết ông muốn những người Nga đã nhận trợ cấp của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu bị loại trừ khỏi những chương trình nghiên cứu tương tự.

Ông cũng đang tìm cách chấm dứt việc Nga tham gia vào bất kỳ dự án khoa học và nghiên cứu nào liên quan đến EU, bao gồm ITER (Lò phản ứng nhiệt hạch quốc tế) và CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu), bao gồm dự án Máy va chạm Hadron lớn  trị giá 18 tỷ bảng Anh (24 tỷ đô la Mỹ).

Ehler cũng kêu gọi tất cả các nước thành viên EU cắt đứt mọi quan hệ về khoa học và nghiên cứu với Nga.

Những ảnh hưởng đáng tiếc đến khoa học

Trong một tuyên bố bất thường, Liên minh các tổ chức khoa học ở Đức cho biết họ nhận thức được và lấy làm tiếc về những hậu quả nghiêm trọng mà các biện pháp này sẽ gây ra cho khoa học. “Nhiều dự án nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn cảnh chiến tranh hiện nay.”

Tuyên bố cũng nêu rõ: “Chúng ta đang sống trong một thế giới đa chiều và chỉ với sự giúp đỡ của hợp tác khoa học quốc tế, nhân loại mới có thể vượt qua những cuộc khủng hoảng hiện đang phải đối mặt chẳng hạn như biến đổi khí hậu, sự tiệt chủng của các loài hoặc các bệnh truyền nhiễm. Đó là lý do tại sao các đối tác và các nhà khoa học Nga đã hợp tác lâu dài với chúng tôi, những người cũng đang cảm thấy kinh hoàng trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, xứng đáng nhận được tinh thần đoàn kết từ chúng tôi”.

DAAD tạm dừng các hoạt động trao đổi

Cũng vào thứ Sáu ngày 25 tháng Hai, Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) đã củng cố lập trường ban đầu còn mềm mỏng của mình, thông báo rằng họ đang hạn chế trao đổi với Liên bang Nga, mặc dù họ vẫn tìm cách duy trì những mối liên kết lâu dài đã có với các đối tác ở Nga.

DAAD đã đình chỉ các thủ tục đăng ký tài trợ cho Nga và đã hủy bỏ việc lựa chọn các ứng viên tiềm năng từ quốc gia này. Các ứng viên đã được chọn của Đức cũng không thể nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào cho các đợt lưu trú được lên kế hoạch ở Nga. DAAD mong muốn các trường đại học của Đức tạm dừng tất cả các hoạt động hợp tác với các cơ sở đối tác ở Nga và Belarus do DAAD tài trợ.

Chủ tịch DAAD Joybrato Mukherjee cho biết vào hôm thứ Sáu: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine thể hiện sự vi phạm sâu sắc luật pháp quốc tế. Không một quan hệ bình thường nào có thể được duy trì với một quốc gia phát động chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia láng giềng ngay giữa châu Âu, ngay cả trong chính sách đối ngoại hàn lâm. Do đó, chúng tôi đang hạn chế các mối quan hệ trao đổi Đức-Nga trong thời điểm hiện tại ”.

Mukherjee nhấn mạnh rằng tổ chức của ông nhận thức được rằng bước đi này là không công bằng đối với một số người và ảnh hưởng đến một số lượng lớn các học giả và sinh viên, những người đã nỗ lực duy trì quan hệ hòa bình theo pháp quyền và quan hệ láng giềng tốt đẹp.

“Chúng tôi biết rằng nhiều người bạn Nga của chúng tôi và các đối tác tại Nga của chúng tôi lên án chiến dịch quân sự chống lại Ukraine từ tận đáy lòng của họ,” ông nhấn mạnh. “Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh, cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc sự hậu thuẫn dành cho các mối quan hệ trao đổi với Nga.”

Với sự phối hợp của Chính phủ Liên bang Đức, sau khi DAAD tham vấn Hội nghị Hiệu trưởng Đức và các trường đại học Đức, trong những ngày và tuần tới, các biện pháp đã được thực hiện có thể được điều chỉnh nhằm cân nhắc những phát triển hơn trong tương lai.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang đối mặt với một thách thức lớn về chính sách quốc phòng và an ninh đối ngoại, một thách thức mà châu Âu chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai, và đang làm lung lay nền tảng của các giá trị châu Âu. Chính sách đối ngoại học thuật cũng phải tự đặt câu hỏi rằng nó có thể đóng góp gì cho chiến lược tổng thể của chính phủ liên bang, của Liên minh châu Âu cũng như trong việc cô lập Nga,” Mukherjee cho biết.

Tuyên bố mới này là một sự cứng rắn hơn trong đường lối của DAAD so với những gì được nêu trước đó trên trang web của mình vào thứ Năm, cho rằng họ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và diễn biến trên thực địa, đồng thời tham vấn chặt chẽ với Chính phủ Liên bang Đức, trao đổi với Hội nghị Hiệu trưởng Đức và các trường đại học Đức; và rằng trong những ngày và tuần tới, sẽ đánh giá khả năng hình thành mối quan hệ hợp tác học thuật với Ukraine như thế nào.

Hiện tại, tại Ukraine có 46 dự án của DAAD và 62 dự án trong khuôn khổ Erasmus + đang được tài trợ. Do đại dịch, các hoạt động hợp tác phần lớn diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số.

DAAD cho biết thêm trong một tuyên bố trên website rằng, do tình hình ngày càng tồi tệ, những người nhận tài trợ của DAAD người Đức đã rời Ukraine trong những ngày qua.

Yến Chi dịch

Nguồn

Brendan O’Malley & Michael Gardner. (2022, Feb 26). EU under pressure to halt science cooperation with Russia. University World News. 

Leave A Comment