Theo chính sách này, eLife sẽ chỉ phản biện và công bố các bài nghiên cứu đã được đăng tải trên một nền tảng preprint, chẳng hạn như bioRxiv, medRxiv hay arXiv. Các bản thảo gửi tới nếu chưa làm như vậy sẽ được tạp chí đăng trên bioRxiv hoặc medRxiv.

Một trong những yếu tố thúc đẩy chính sách này là một phân tích nội bộ cho thấy rằng, xấp xỉ 70% các bài báo được eLife phản biện trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm nay đều đã được đăng tải dưới dạng preprint. Michael Eisen, tổng biên tập của eLife chia sẻ rằng, mặc dù họ luôn biết rằng cộng đồng eLife luôn rất ủng hộ preprint, nhưng họ không nhận ra rằng nó chiếm số lượng lớn như vậy cho tới khi thực hiện khảo sát nội bộ trên. 30% tác giả còn lại không đăng tải bản thảo của mình dưới dạng preprint chỉ là do trì hoãn chứ không phải phản đối hình thức này.
Mô hình “công bố trước, phản biện sau” này đã được sử dụng ở một số nơi khác. Nhà xuất bản F1000 Research đã cung cấp những nền tảng cho phép các học giả đăng bản thảo của mình lên trước khi nhận được các phản biện công khai; chỉ những bản thảo vượt qua vòng phản biện mới được chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu như là PubMed.
eLife cũng đang lên kế hoạch đăng tải các báo cáo phản biện của họ lên các nền tảng preprint, cho dù bản thảo đó có được chấp nhận xuất bản hay không. Tạp chí đang phát triển một nền tảng của riêng họ tên là Sciety để thực hiện việc này.
Thông tin của người phản biện vẫn sẽ được bảo mật, mặc dù một hệ thống ẩn danh hoàn toàn không phải là lý tưởng. Nhưng như Eisen chia sẻ, điều quan trọng là eLife hay các nhà xuất bản khác phải cẩn thận trong việc lựa chọn những người phản biện có chuyên môn và không có xung đột lợi ích.
Bianca Kramer, một nhà nghiên cứu về truyền thông học thuật và là thủ thư tại Đại học Utrecht, Hà Lan nhận định rằng, mô hình mới của eLife là một phát triển quan trọng để khiến cho việc chia sẻ preprint, phản biện mở (open peer-review) và có các báo cáo phản biện đi kèm với bài preprint trở thành các thực hành tiêu chuẩn.
Eisen cũng nói rằng một mô hình xuất bản sẽ vẫn thiếu sót nếu nó coi tên tuổi của tạp chí là tiêu chí chính trong việc đánh giá chất lượng của một bài báo. Anh chia sẻ rằng eLife cũng đang phát triển các thước đo đánh giá khác trong quá trình thực hiện chính sách mới này. “Khiến cho mọi người rời xa ý nghĩ đánh giá một quyết định xuất bản như là một sự kiện duy nhất thể hiện giá trị của bài nghiên cứu là mục tiêu cuối cùng chúng tôi hướng tới.”
Linh Chi lược dịch
Nguồn:
Diana Kwon. (December 15, 2020). Open-access journal eLife announces ‘preprint first’ publishing model. Nature.