Trong tạp chí World Development tập tháng 4 năm 2021, một nhà khoa học người Việt Nam đã chứng minh vai trò của quyền sở hữu tài sản trong công cuộc phát triển kinh tế, qua việc nghiên cứu tác động kinh tế cấp xã của Luật Đất đai 1993.

Lý thuyết kinh tế học phát triển cho rằng việc xác lập và mở rộng quyền sở hữu đất tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn theo hai con đường. Đầu tiên, nó tạo động lực để nông dân bỏ ra nguồn lực để tăng sản lượng trên mảnh đất của mình, đồng thời cho phép nông dân thế chấp mảnh đất của mình để đầu tư tăng sản lượng hơn nữa. Thứ hai, quyền sở hữu đất được quy định rõ ràng sẽ khiến thị trường đất đai trở nên dễ thanh khoản và đạt được hiệu quả phân bổ cao hơn.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 1993 không trao quyền sở hữu đất hoàn toàn cho dân, mà chỉ trao quyền sử dụng đất qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và Nhà nước có thể chỉ đạo thu hồi đất trong trường hợp cần thiết. Điểm đặc thù này trong bối cảnh Việt Nam có thể mang lại đóng góp quan trọng cho hiểu biết của chúng ta về mối liên hệ giữa quyền sở hữu đất và phát triển kinh tế. Những nghiên cứu đa quốc gia trước đây chỉ sử dụng những phép đo tổng hợp quyền sở hữu tài sản, nên chưa thể chỉ ra những quy định và quy trình cụ thể có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế mà các chính phủ nên hướng tới.
Thay vì sử dụng những biến số kinh tế truyền thống như tổng sản phẩm (GDP) do khó khăn trong việc tìm số liệu đáng tin cậy ở cấp địa phương, ông Hồ Hoàng Anh (hiện đang công tác tại Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM) đã đo cường độ ánh sáng ban đêm, một cách đo mới lạ trong kinh tế học phát triển, bởi lẽ tiêu dùng và sản xuất trong ban đêm đều cần đến ánh sáng nhân tạo. Các nghiên cứu đi trước đã cho thấy rằng ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương đều tồn tại mối liên hệ chặt chẽ giữa cường độ ánh sáng ban đêm và GDP, cùng với nhiều biến số phát triển kinh tế khác.
Để thực hiện nghiên cứu, ông đã sử dụng dữ liệu về tỷ lệ diện tích đất có giấy chứng nhận sử dụng đất và cường độ ánh sáng ban đêm của hơn 2.000 xã khắp cả nước trước và sau khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (cụ thể là 1992 và 2005). Bài nghiên cứu của ông, mang tên gốc là “Land tenure and economic development: Evidence from Vietnam”, được đăng trên tạp chí World Development thuộc nhà xuất bản Elsevier vào tháng 4 năm 2021. Trong suốt giai đoạn 1999-2020, tạp chí này liên tục được chỉ mục trong Q1 của Scopus với điểm CiteScore là 8,4 và chỉ số tác động (impact factor) là 5,278.
Nghiên cứu của ông cho thấy cứ thêm 1% diện tích đất có giấy chứng nhận sử dụng thì cường độ ánh sáng ban đêm tăng trung bình từ 0,3-0,6% khi đã cô lập ảnh hưởng của những biến ảnh hưởng cả việc giành quyền sử dụng đất và trình độ phát triển kinh tế (độ màu mỡ của đất, độ phát triển kết cấu hạ tầng công, độ cao, độ bằng phẳng, v.v.). Ngoài ra, cường độ ánh sáng ban đêm trên đầu người (tính bằng cường độ ánh sáng ban đêm chia mật độ dân số) và tốc độ tăng trưởng cường độ ánh sáng ban đêm cũng có mức tăng tương tự.
Những kết quả này cho thấy rằng có mối liên hệ cùng chiều giữa việc xác lập quyền sử dụng đất và trình độ phát triển kinh tế tại các xã nông thôn Việt Nam, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chưa cao và nhạy cảm với các biến gây nhiễu như là khả năng sinh lợi của mảnh đất. Tác giả giải thích mức độ ảnh hưởng thấp là do quyền sở hữu đất không đầy đủ được quy định trong Luật Đất đai. Bởi vì về mặt pháp lý, đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và có thể bị thu hồi với mức đền bù dưới giá thị trường, người sử dụng đất không thể đầu tư thật mạnh tay vào việc cải tạo đất và tăng hiệu quả nói chung. Hơn nữa, trong giao dịch đất đai, người sử dụng đất phải có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chịu chi phí thời gian đồng thời chịu thuế ở mức cao hơn so với các nước khác trong Đông Á.
Chi tiết nghiên cứu: Ho, Hoang-Anh. (2021). Land tenure and economic development: Evidence from Vietnam. World Development, 140.