MỐI QUAN HỆ GIỮA BẤT BÌNH ĐẲNG THU NHẬP VÀ CÁC KHOẢN TIẾT KIỆM

Khi nói đến chủ đề về mối liên hệ giữa sự bất bình đẳng trong thu nhập với các khoản tiết kiệm, các nghiên cứu trước đây vẫn cho thấy những kết quả chưa được rõ ràng. Với mục đích tìm hiểu liệu bất bình đẳng thu nhập ở cấp độ tỉnh thành có liên quan đến các khoản tiết kiệm của hộ gia đình hay không, cũng như xem xét mối quan hệ này khác nhau như thế nào giữa các phân nhóm khác nhau, nhóm tác giả của Đại Học Đà Nẵng bao gồm Trần Đăng Nhân, Ông Nguyên Chương và Nguyễn Lê Đình Quý đã thực hiện nghiên cứu “The relationship between income inequality and savings: evidence from household-level panel data in Vietnam” (Mối quan hệ giữa sự bất bình đẳng thu nhập và các khoản tiết kiệm: bằng chứng từ dữ liệu phân phối thu nhập gia đình ở Việt Nam). Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Applied Economics – là tạp chí Q2 Scopus về lĩnh vực Kinh tế học và Kinh tế lượng (Economics and Econometrics) với CiteScore: 1.9 và được SSCI chỉ mục.

Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu mảng cân đối (balanced panel survey) về khả năng tiếp cận các nguồn lực của 2181 hộ gia đình nông thôn từ năm 2008 đến năm 2014 tại 12 tỉnh thành của Việt Nam. Phương pháp Generalized Method of Moments – GMM (tạm dịch là phương pháp hồi quy biến công cụ) đã được sử dụng nhằm giải quyết vấn đề về tính nội sinh (phụ thuộc) được áp dụng để ước tính mối quan hệ giữa các biến có liên quan.

Kết quả nghiên cứu phù hợp với dự đoán của nhóm tác giả về địa vị xã hội. Kết quả đã cho thấy rằng bất bình đẳng thu nhập tác động tích cực đến các khoản tiết kiệm của các hộ gia đình. 

Điều này có thể do các hộ gia đình nông thôn có thể kiên nhẫn trong việc hạn chế tiêu dùng để họ có đủ các khoản tiết kiệm để vào nhóm có địa vị cao. Việc gia tăng các khoản tiết kiệm giúp họ tích lũy của cải và nâng cấp địa vị xã hội, do đó tiết kiệm  mang lại cho họ sự hài lòng hơn so với việc tiêu dùng. 

Một giải thích khác có thể là do bất bình đẳng thu nhập càng cao, mức tiêu dùng của các nhóm có địa vị cao càng cao; việc các hộ gia đình sẽ khó có thể chi tiêu cho những sản phẩm đắt tiền mà không hẳn thể hiện vị trí xã hội của họ, trong khi tiết kiệm trở nên đáng giá hơn do có sự khác biệt trong phân phối thu nhập.

Hơn thế nữa, phân tích sâu hơn cũng cho thấy tác động của bất bình đẳng đối với các khoản tiết kiệm có phần mạnh hơn ở những nhóm hộ nghèo hơn, giàu hơn, trẻ hơn và những hộ gia đình có mối quan hệ hôn nhân khi so với những hộ khác. Điều này có thể do những cá nhân trong hộ gia đình có các đặc điểm trên thường có xu hướng quan tâm hơn đến sự so sánh của xã hội.

Với những phát hiện trên, nhóm tác giả đưa ra hàm ý về bất bình đẳng thu nhập có tác động tích cực và gián tiếp đến kết quả kinh tế. Từ quan điểm này, các chính sách nhằm giảm bất bình đẳng bằng cách đánh thuế vào thu nhập của các cá nhân có động cơ địa vị cao (high status motive) cần được đẩy mạnh để giảm thiểu tác động tiêu cực đến tăng trưởng. 

Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc tìm hiểu các khía cạnh tâm lý và xã hội của bất bình đẳng thu nhập để giải thích chính xác cơ chế tác động của bất bình đẳng đối với tiêu dùng cũng như các khoản tiết kiệm.

Chi tiết nghiên cứu 

Dang Tran Nhan, Ong Nguyen Chuong & Nguyen Le Dinh Quy (2020). The relationship between income inequality and savings: evidence from household‐level panel data in Vietnam. Journal of Applied Economics, 23(1), 709–728. 

Leave A Comment