NHẬN THỨC CỦA HỌC VIÊN SAU ĐẠI HỌC VIỆT NAM VÀ NEW ZEALAND VỀ ĐẠO VĂN

Đạo văn là một vấn đề phức tạp cả về định nghĩa lẫn những thực hành bao hàm trong nó và cách nó diễn ra trong thực tế. Trong khi đã có nhiều học giả chú ý tới nhận thức của sinh viên đại học về đạo văn, có ít nghiên cứu tìm hiểu về chủ đề này ở nhóm khách thể học viên sau đại học vì giai đoạn sau đại học (postgraduate) thường chỉ được coi là giai đoạn tiếp nối thời kỳ đại học. Tuy vậy, giả định đó vô cùng có vấn đề bởi sau đại học là giai đoạn vô cùng khác biệt khi xét về mặt kinh nghiệm, thói quen cũng như kiến thức và cách hiểu về đạo văn và liêm chính khoa học. Học viên sau đại học cũng được coi là những nhà nghiên cứu mới vào nghề và được áp những tiêu chuẩn cao hơn về viết lách học thuật. 

Nghiên cứu của nhóm tác giả bao gồm Trần Ngọc Minh (Đại học Thủ Dầu Một), Linda Hogg Stephen Marshal (Đại học Victoria Wellington) tìm hiểu nhận thức của học viên sau đại học về mức độ nghiêm trọng của vấn đề đạo văn, cũng như cách họ hiểu về các khía cạnh dẫn tới đạo văn cố ý và vô ý. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Educational Integrity (Q1 Scopus, CiteScore = 3.8). Dữ liệu nghiên cứu được thu thập thông qua một khảo sát hai nhóm sinh viên sau đại học đang học tập tại một trường đại học New Zealand, bao gồm 72 học viên người Việt Nam và 135 học viên người New Zealand. Khảo sát gồm các câu hỏi liên quan đến thông tin nhân khẩu học, nền tảng giáo dục và Thang đo Nhận thức về Đạo văn (Plagiarism Perception Scale). Thang đo được nhóm tác giả tự xây dựng gồm 29 item chia thành 5 tiểu thang đo, tương đương với 5 yếu tố: (1) Nhận thức về mức độ nghiêm trọng của việc đạo văn; (2)  Yếu tố cá nhân: những lý do cá nhân khiến người học đạo văn; (3) Những yếu tố học thuật: những lý do về mặt học thuật khiến người học đạo văn; (4) Yếu tố đánh giá: những yếu tố liên quan đến kiểm tra, đánh giá khiến người học đạo văn; (5) Thái độ tiêu cực về việc đạo văn.

Kết quả nghiên cứu nhận thấy hai nhóm sinh viên đều có hiểu biết đáng kể về vấn đề đạo văn, cả về ý nghĩa và sự phức tạp của vấn đề này. Họ đều có thể phân biệt được hành vi đạo văn và những hành vi vẫn chấp nhận được về mặt liêm chính khoa học. Khác với các nghiên cứu trước đây thực hiện trên nhóm sinh viên cấp độ cử nhân, nghiên cứu này nhận thấy nhóm học viên sau đại học phần lớn có thái độ tiêu cực với vấn đề đạo văn, coi nó là một hành động ăn cắp và lừa đảo. 

Xem xét sự khác biệt giữa hai nhóm, học viên người New Zealand nhìn nhận vấn đề đạo văn nghiêm trọng hơn học viên người Việt Nam. Hai nhóm học viên cũng có một số khác biệt trong quan điểm về các loại đạo văn và yếu tố liên quan tới hành vi này. Ví dụ, học viên Việt Nam nhìn nhận kiểu viết chắp vá (patch-writing) là dạng đạo văn ít nghiêm trọng nhất, bởi đây là kiểu viết họ thường dùng khi học viết tiếng Anh. Bên cạnh đó, giáo dục New Zealand cũng tập trung nhiều hơn vào tư duy phản biện, trong khi giáo dục Việt Nam còn nặng học thuật. 

Nhóm nghiên cứu sinh nhìn nhận vấn đề đạo văn nghiêm trọng hơn học viên cao học. Điều này có thể là do trong hệ thống giáo dục New Zealand, chương trình học thạc sĩ có cả bằng coursework và bằng nghiên cứu, trong khi chương trình tiến sĩ thường yêu cầu làm luận án. 

Xem xét sự khác biệt giữa các nhóm có đặc điểm nhân khẩu học khác nhau, nghiên cứu nhận thấy nữ giới có thái độ tiêu cực về đạo văn hơn nhóm nam giới. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đó. Những học viên lớn tuổi hơn cũng nhìn nhận vấn đề đạo văn nghiêm trọng hơn nhóm học viên trẻ tuổi hơn. Học viên ngành khoa học cũng đánh giá đạo văn tiêu cực hơn học viên ngành giáo dục. Những học viên từng có kinh nghiệm giảng dạy cũng cho thấy sự đồng thuận cao hơn về các lý do học thuật dẫn tới đạo văn (ví dụ: học viên đạo văn vì họ thiếu hiểu biết về trích dẫn; học viên đạo văn vì họ không nhận ra đó là đạo văn). Kết quả mang đến một hàm ý thú vị để bổ sung cho cuộc tranh luận về việc nên nhìn nhận đạo văn như một hành vi vi phạm hay một cơ hội học tập.

Chi tiết nghiên cứu: Tran, M. N., Hogg, L., & Marshall, S. (2022). Understanding postgraduate students’ perceptions of plagiarism: a case study of Vietnamese and local students in New Zealand. International Journal for Educational Integrity, 18(1), 1-21.

Leave A Comment