Là một học giả, tôi yêu thích công việc viết lách cho công chúng. Thông qua bài viết của mình, tôi có một cơ hội tuyệt vời để khám phá những chủ đề mà vốn trước nay không phải chuyên môn của mình. Đồng thời, việc cầm bút giúp tôi soi chiếu vào lĩnh vực mà tôi theo đuổi dưới những góc nhìn đa chiều và là nguồn động lực giúp tôi tiếp tục xuất bản, ngay cả khi áp lực doanh số phát hành dường như là không tưởng. Tuy vậy, không phải ai cũng có cái nhìn tích cực với việc viết bài trước công chúng như vậy.
Trong năm năm, tôi đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện và hội thảo về chủ đề “Viết cho công chúng”, cũng như phương pháp tiếp thị sách tại nhiều trường Cao đẳng và Đại học. Ban đầu, hầu hết những người tham dự sự kiện đều tò mò và háo hức muốn tìm một giải pháp thay thế cho các phương pháp viết học thuật truyền thống. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, tôi nhận thấy một xu hướng mới: những người tham gia vẫn hướng đến việc viết cho đông đảo quần chúng, nhưng họ đến với buổi tọa đàm của tôi bởi vì họ lo sợ.

Ngày nay, giới học thuật, đặc biệt là các học giả trẻ, được kỳ vọng phải có kỹ năng viết cho công chúng. Những bài viết phi học thuật với đối tượng khán giả phổ cập hơn dần trở thành một phần không thể tách rời trong sự nghiệp nghiên cứu và xuất bản của họ. Hiển nhiên điều này khiến họ càng thêm bồn chồn, lo âu, và gia tăng nỗi sợ hãi trước gánh nặng viết cho công chúng. Khi đó, sẽ chẳng có ích gì giải thích cho họ về các “mánh khóe” tiếp thị ý tưởng cho một biên tập viên hay các thủ thuật chỉnh sửa các biệt ngữ cả.
Vì vậy tôi viết bài luận này để “bóc tách” một số nỗi sợ phổ biến liên quan đến việc viết cho công chúng và những cách để khắc phục chúng. Trong số những điều mà tôi sắp nói đến, một vài nỗi sợ hoàn toàn dễ hiểu, trong khi những cái khác lại do chính bạn tạo ra (self-sabotage). Tất cả những nỗi sợ này đều sẽ gây cản trở cho người viết. Trong vài trường hợp , cách tốt nhất để vượt qua rào cản nỗi sợ là thay đổi quan điểm về công việc viết cho công chúng. Trong những trường hợp khác, có thể cân nhắc các dạng bài viết khác ít rủi ro hơn. Tôi tin rằng, khi tìm ra đúng thể loại và phương thức phù hợp với bản thân, bạn sẽ tìm lại được cảm giác thỏa mãn và trọn vẹn trong việc viết lách. Nhưng trước hết, hãy cùng nói về những Nỗi sợ.
“Chủ đề tôi nói đến không đủ sức thu hút.”
Nếu bạn đang hứng thú, quan tâm, và muốn tìm hiểu thêm về một chủ đề, chắc chắn ai đó cũng vậy. Điều đó, cùng với một tinh thần luôn sẵn sàng cải thiện tay viết, là tất cả những gì bạn cần. Hãy kể câu chuyện của bạn bằng hết khả năng cùng với sự trung thực, chi tiết, và cách diễn đạt phù hợp. Thế đã là quá đủ.
Trong một vài lĩnh vực đặc biệt ,các học giả phải trình bày về tầm quan trọng của chủ đề mà họ muốn nói đến ở đầu bài biết nhằm thuyết phục độc giả tiếp tục đọc bài . Đối với một bài viết phi học thuật, điều này là không bắt buộc. Hơn thế, bạn không cần một quan điểm hoàn toàn mới mẻ hay làm “rúng động thế giới” để có một bài viết . Hãy nhớ rằng, “bình mới rượu cũ” đâu có nghĩa là rượu đó không ngon.
“Đây không phải lĩnh vực chuyên môn của tôi.”
Trên cương vị những nhà nghiên cứu, chúng ta luôn rất thận trọng khi đưa ra các nhận định nằm ngoài lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tất nhiên, hầu hết các học giả từng đứng lớp đều đã giảng về những chủ đề nằm ngoài phạm vi nghiên cứu hoặc cuốn sách của họ. Nhưng khi bắt tay vào viết, chúng ta thường mặc định rằng mình cần rất nhiều năm nghiên cứu để đủ “thẩm quyền” đóng góp dù chỉ là một phần nhỏ.
Thực tế, khi viết cho đại chúng, bạn không cần một bài luận văn tiến sĩ rồi mới “được phép” viết về một chủ đề nào đó. Hãy tìm hiểu về chủ đề của bạn – hoặc theo như các nhà báo, “tường thuật lại” – và viết về bất cứ điều gì bạn thích. Nếu bài viết nằm trong vùng “an toàn” của bạn, tôi dám chắc rằng kiến thức của bạn trong chủ đề này sâu rộng hơn đại đa số mọi người. Nếu bài viết không thuộc chuyên môn của bạn, kỹ năng nghiên cứu, khả năng phân tích, và sự tỉ mỉ sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời.
“Bài viết phi học thuật không đáp ứng các tiêu chuẩn hàn lâm.”
Nếu bạn là một cây viết với nỗi sợ trên, bạn có thể có những dấu hiệu sau: Lưỡng lự trước việc xuất bản một bài viết không đáp ứng mức độ nghiêm ngặt thông thường mà ngành học thuật/nghiên cứu đưa ra; phân vân về vấn đề sử dụng chú thích cuối trang; hoặc lo lắng rằng bài viết của mình quá “học thuật” và cần phải được đơn giản hóa.
Đúng vậy, bạn không thể cung cấp nguyên một tập tài liệu để làm dẫn chứng minh họa cho một ấn phẩm lưu hành phổ thông. Tuy nhiên, có nhiều cách khác để bài viết của bạn vẫn thấu đáo và chặt chẽ.

Các ấn phẩm trực tuyến cho phép bạn chèn liên kết đến tài liệu tham khảo. Đối với các bản in, bạn có thể đề cập đến một số nguồn quan trọng nhất của mình hoặc gán chung cho “các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này” để chắc chắn rằng bạn không “vượt quá ranh giới” về quyền sáng tác trong nhận định mà bạn đưa ra. Một số ấn phẩm thậm chí sẽ cho phép bạn có một vài chú thích ngắn gọn ở cuối trang. Bạn chỉ phải chấp nhận một sự thật rằng bạn không thể trích dẫn quá dày đặc. Những gì bạn có thể làm là triển khai một lối viết giúp bạn tôn vinh các tác phẩm của những cây bút đi trước. Hãy nhớ rằng, những người duy nhất đòi hỏi bạn phải trích dẫn thật đầy đủ khi đọc một bài luận trên tạp chí văn học hoặc tạp chí nổi tiếng là các học giả khác.
“Phải làm gì trong trường hợp tôi được yêu cầu phải đơn giản hoá quá mức?”
Có thể biên tập viên khuyến khích bạn thay đổi các thuật ngữ trừu tượng bằng những từ ngữ mà hầu hết mọi người đọc đều hiểu, gạch bỏ các từ/cụm từ mà giới học thuật thường sử dụng để tránh đưa ra một tuyên bố “đanh thép” hơn mức cần thiết (“có lẽ”, “người ta có thể cho rằng”, “không phải là không thể”), hoặc thậm chí yêu cầu bạn cung cấp những thông tin cơ bản mà các học giả khác có thể coi là hiển nhiên nhưng đối với độc giả nói chung lại là cần thiết. Hãy coi đây là một cơ hội để rèn luyện kỹ năng viết sao cho rõ ràng, rành mạch.
Tuy nhiên, nếu biên tập viên yêu cầu bạn đơn giản hóa hoặc thay đổi lập luận của mình đến mức bạn cho là bị sai lệch, bạn sẽ phải giữ vững lập trường của mình. bài viết là của bạn. Đừng bao giờ xuất bản một bài viết mà lập trường của bạn đã bị bóp méo hoặc đơn giản là không còn thuộc về bạn. Các nhà báo chuyên nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Nếu tầm nhìn của họ đối với một tác phẩm quá mâu thuẫn với ý kiến của biên tập viên, họ sẽ “quay gót” và giới thiệu tác phẩm của họ ở nơi khác. Bạn cũng hoàn toàn có thể làm vậy.
“…Những phản ứng tiêu cực.”
Tôi nhận thấy có hai phiên bản của nỗi sợ này. Đầu tiên là sự lo lắng chung về việc mọi người không thích những gì bạn viết. Đúng là bất kỳ ấn phẩm nào cũng sẽ tìm được đường đến với những độc giả không quan tâm đến nó. Tôi có thể đảm bảo rằng một số độc giả sẽ không thích bài viết của bạn. Tuy nhiên, bởi vì các học giả được đào tạo để “soi” các bài viết, ta thường ngộ nhận rằng tất cả những người đọc bài luận của ta cũng tìm kiếm những sai sót, mâu thuẫn và kẽ hở của bài viết . Trên thực tế, mọi người đọc vì đủ loại lý do – để giải trí, để học một điều gì đó mới, để giết thời gian trên đường đến nơi làm việc, để không phải nói chuyện với người thân gia đình trong bữa sáng . Hãy nghĩ về những độc giả trung thành của bạn khi chắp bút.
Một mối quan tâm lớn hơn là nỗi lo sợ rằng nếu bạn xuất bản một bài luận về một chủ đề chính trị “nóng” hoặc gây tranh cãi và nó được lưu hành rộng rãi, bạn sẽ thấy hòm thư và các tài khoản mạng xã hội của mình tràn ngập thư thù ghét hay những dòng đe doạ. Điều này đã và đang xảy ra. Và thường thì nó xảy ra thường xuyên hơn đối với các tác giả da màu hoặc bản địa (BIPOC).
Nếu nỗi lo âu diễn ra trước cả khi bạn bắt đầu gõ câu đầu tiên, thì có thể rào cản lớn nhất mà bạn phải đối mặt chính là rào cản tâm lý.
Rất nhiều các tác giả đã sáng tạo ra các cách để đối phó với những lời đe dọa. Ví dụ, một vài người chọn cách làm ngơ trước những email nếu dòng tiêu đề có vẻ đáng ngại. Những người khác – một cách chính đáng – sẽ thấy rằng điều này là quá tải cho sức khỏe tinh thần của họ. Một chiến lược khác trong việc giảm thiểu mức độ lan truyền của ấn phẩm xuất bản là hướng đến những nhà phân phối “kín tiếng” hơn. Một tác phẩm chỉ được phát hành trên báo giấy sẽ vẫn thỏa niềm đam mê viết cũng như mong muốn xuất bản của bạn mà không thu hút quá nhiều độc giả công chúng.
Nỗi sợ hãi của bạn là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hãy tự hỏi: liệu nỗi sợ của bạn có xoay quanh một tình huống mà bạn sẽ không thể xử lý được hay chỉ là một thủ thuật mà tâm trí bạn đang sử dụng để ngăn bạn bắt tay vào viết? Để trả lời câu hỏi trên, hãy nghĩ kĩ xem: Bạn có đang viết không? Nếu nỗi lo âu diễn ra trước cả khi bạn bắt đầu gõ câu đầu tiên, thì có thể rào cản lớn nhất mà bạn phải đối mặt chính là rào cản tâm lý.
Hãy viết những gì thuộc về con người bạn. Sau đó, bạn luôn có thể quyết định bạn có muốn xuất bản nó hay không.
Một chiến lược khác là nghĩ thoáng hơn về thể loại và loại ấn phẩm bạn muốn phát hành . Một dạng bài viết phổ biến hiện nay là bài luận được viết để bàn luận về một sự kiện nổi bật trong tin tức, thường đề xuất một quan điểm liều lĩnh hoặc mở ra một hướng nhìn hoàn toàn mới (thường gọi là một “think piece”, “op-ed”, hay “hot take”). Loại bài viết này thường sẽ có một tiêu đề “giật tít”(do các biên tập viên chọn) và sẽ được xuất bản trực tuyến với chủ đích câu view.
Phiên bản học thuật thường tuân theo công thức sau: “Làm thế nào [chèn lĩnh vực chuyên môn học thuật của bạn] giải thích [chèn sự kiện hiện tại đang được quan tâm nhưng không mấy liên quan].” Đó là một cách tiếp cận khả quan nếu mục đích của bạn là chia sẻ kiến thức của với càng nhiều đối tượng càng tốt. Nếu bạn cảm thấy cách này đủ cả chất và lượng, xin mời, bạn có toàn quyền sử dụng nó cho bao nhiêu bài viết tuỳ thích.
“Làm thế nào [chèn lĩnh vực chuyên môn học thuật của bạn] giải thích [chèn sự kiện hiện tại đang được quan tâm nhưng không mấy liên quan]“
Mặt khác, phương pháp này không dành cho tất cả mọi người. Thay vì đưa ra một lập luận khiêu khích, một số nhà văn thích khai thác chủ đề theo hướng mở. Một số người cảm thấy 1000- 2000 từ là không đủ để triển khai hết những điều mà họ muốn đề cập trong bài viết. Một số người khác không cần một chủ đề “nóng” làm bàn đạp cho bài viết của họ, nhưng họ luôn sẵn lòng viết về nó vì đơn giản là họ thích thế.
Tôi muốn thuyết phục bạn rằng có nhiều cách để triển khai một vài viết phi học thuật. Bạn không cần phải gò mình vào một định dạng hay khuôn mẫu như cách bạn được dạy khi viết cho các tạp chí học thuật. Bạn sẽ tìm thấy những thể loại và loại ấn phẩm phù hợp với mình, dù cho điều này tốn khá nhiều công sức. Một khi bạn tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân, bạn sẽ bớt căng thẳng về việc viết bài cho công chúng.
Dưới đây là một vài định dạng xuất bản của một bài viết dành cho đại chúng:
- Op-ed: Thường là dạng bài viết đưa ra những quan điểm táo bạo về một vấn đề thời sự, được diễn đạt rõ ràng và ngắn gọn (tốt nhất là gắn liền với bản tin); thường kết thúc bằng lời kêu gọi hành động. Những nơi bạn có thể tìm thấy loại bài viết này: CNN, Vox’s The Big Idea, The Washington Post.
- Kiến thức phổ cập: Một phiên bản dễ hiểu hơn của những nghiên cứu của bạn, phục vụ những độc giả có trình độ học vấn và muốn tìm hiểu thêm về một lĩnh vực nào đó. Nó có thể mang tính thời sự, nhưng không nhất thiết phải đề xuất phương hướng giải quyết. Những nơi bạn có thể tìm thấy loại bài viết này: Aeon, Jstor Daily.
- Bài phê bình sách: Một cách tuyệt vời để các học giả bắt đầu công việc viết cho công chúng vì các đầu ra luôn cần những nhà phê bình hiểu biết cho những cuốn sách mới. Một số nhà xuất bản sẽ mong đợi một đánh giá đơn giản và ngắn gọn; những nơi khác sẽ cho phép bạn viết một bài luận dài dựa trên cuốn sách. Những nơi bạn có thể tìm thấy loại bài viết này: Los Angeles Review of Books, Public Books, Times Literary Supplement.
- Bình luận văn hóa: Một dạng bài phân tích về một hiện tượng văn hóa dựa trên bối cảnh lịch sử, các cuộc phỏng vấn với chuyên gia hoặc những người bình thường. Dạng bài viết này thường được tích hợp với phân tích học thuật và chú thích thuật ngữ chuyên môn Những nơi bạn có thể tìm thấy loại bài viết này: The Atlantic; Electric Literature.
- Bài nghị luận: Một cách tiếp cận đầy đủ và đa chiều về chủ đề của bạn. . Những bài luận triển khai theo hướng này cho phép lồng ghép một hoặc nhiều yếu tố tự sự vào bài viết, khiến cho bài luận mang hơi hướng Văn học hơn. Một tạp chí Văn học chính là thứ bạn cần nhắm đến nếu đây là hướng đi mà bạn theo đuổi. Những nơi bạn có thể tìm thấy loại bài viết này: Boston Review, Longreads, Southwest Review.
- Blogging: Có thể bạn nghĩ rằng, thời của các blogger đã qua, nhưng đây lại chính là một cách tuyệt vời để đưa bài viết của bạn đến nhóm độc giả “không chuyên” (với điều kiện bạn phải chịu khó “lăng-xê” cho trang blog của mình một chút). Bên cạnh các nền tảng blog quen thuộc, bạn có thể xuất bản trên Medium (một trang phương tiện giúp bài viết của bạn có lượt hiển thị cao hơn) hoặc với các nhà cung cấp bản tin như Substack và TinyLetter. Những nơi bạn có thể tìm thấy loại bài viết này: các trang web gắn liền với báo chí trường đại học, thư viện và các đại lý phân phối lớn.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những hình thức mà bạn có thể cân nhắc cho bài viết của mình. Mỗi hình thức lại có những ưu – nhược điểm riêng. Một vài nhà xuất bản hướng đến lượng lớn độc giả , trong khi những nhà xuất bản khác chỉ ngắm vào một lượng nhỏ những độc giả trung thành. Một số định dạng sẽ cho phép bạn đào sâu vào chủ đề của mình, trong khi hầu hết sẽ yêu cầu bạn phải cô đọng và đi thẳng vào trọng tâm. Dù bạn chọn cách nào, hãy tin rằng tiếng nói của bạn sẽ đi xa hơn và trở thành một phần của cộng đồng yêu tri thức – những người có cùng mối quan tâm và sẵn lòng gia nhập vào một cuộc thảo luận lớn và sôi nổi hơn rất nhiều. Lan tỏa và cổ vũ – những điều dường như không thể đối với một cuốn sách hoặc một tờ tạp chí học thuật, nay lại trở nên hoàn toàn khả thi. Hi vọng, cuộc hành trình tiếp theo của bạn sẽ tràn ngập những bất ngờ và thắng lợi.
Nguyễn Linh dịch | Thu Phương biên tập
Nguồn
Irina Dumitrescu (April 19, 2021). How to Cope With a Fear of Public Writing. The Chronicle of Higher Education.