
Ngày 17 tháng Sáu năm ngoái, một nghiên cứu về trung gian miễn dịch qua tế bào T được đăng trên trang web xuất bản học thuật Research Square. Mặc dù chưa qua bình duyệt, nhưng nghiên cứu này có ý nghĩa trực tiếp đối với việc phát triển vắc-xin Covid-19. Chỉ trong ba tháng, bài báo đã được tải xuống hơn 100.000 lần và tiếp cận tới 10 triệu người trên Twitter, theo như số liệu mà tổng biên tập Michele Avissar-Whiting của Research Square cung cấp cho tôi. Tuy nhiên, phải đến ngày 30 tháng Chín, nghiên cứu này mới được xuất bản trên một tạp chí truyền thống là tạp chí Nature Immunology. Vào thời điểm chúng ta đếm từng ngày trong cuộc chạy đua phát triển vắc-xin ngừa Covid-19, kết quả quan trọng này đáng lẽ đã bị ém đi tận ba tháng rưỡi nếu chờ đợi bình duyệt thông thường.
Sự nở rộ của các ấn phẩm preprint (hay các bài báo học thuật được công bố không qua bình duyệt) là một trong số ít những điểm sáng của đại dịch tàn khốc năm nay. Trong nhiều thập kỷ, preprint đã trở thành tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như vật lý và toán học, nhưng lại tương đối mới đối với lĩnh vực y học và khoa học đời sống. Thế nhưng, muộn còn hơn không.

Những quan ngại về tốc độ cập nhật và chất lượng học thuật
Tính đến nay, gần 15.000 bản preprint về virus corona mới đã được đăng tải trên bioRxiv và medRxiv – một kỳ tích đáng kinh ngạc khi mà virus này được biết đến chưa đầy một năm. Nói chung, các ấn phẩm kiểu này đã đưa các phát kiến nghiên cứu quan trọng vào lưu thông nhanh hơn nhiều so với mô hình xuất bản hàn lâm truyền thống trong đó các thông tin mới bị giấu nhẹm cho đến khi qua vòng bình duyệt. Mặc dù bình duyệt từ lâu đã được coi là tiêu chuẩn vàng để đảm bảo tính nghiêm ngặt của xuất bản học thuật, sự bùng nổ của preprint trong đại dịch là phản chứng rõ nhất cho tư duy truyền thống này. Trong thời đại thông tin kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, preprint sẽ và nên trở thành một điều bình thường mới.
…luôn có khả năng bản thảo preprint gian lận, kém chất lượng sẽ lọt qua các lớp lang kiểm duyệt, nhưng điều này cũng có thể xảy ra với phản biện đồng nghiệp trước nay trong xuất bản truyền thống
Điều này không có nghĩa là bản thân quá trình bình duyệt là không cần thiết, việc giám sát chất lượng chặt chẽ đương nhiên là có lợi cho mọi thứ từ bài xã luận đơn giản này cho đến các bài báo khoa học phức tạp. Nhưng đại dịch đã khiến chúng ta nhận ra rằng: việc đánh giá hậu xuất bản được tiến hành nhanh chóng và minh bạch thông qua các nền tảng trực tuyến là đủ để lọc bỏ thông tin sai lệch mà không cản trở dòng chảy xiết của kiến thức khoa học.
Xuất bản trên trên các trang preprint không đồng nghĩa với việc sản phẩm không được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu bạn lo ngại rằng các trang lưu trữ sơ bộ này sẽ trở thành bãi rác cho những ý tưởng dở hơi hoặc chôm chỉa từ đâu đó thì hoàn toàn có thể yên tâm. Các trang preprint thường có các tình nguyện viên đọc trước để đảm bảo bài báo đáng để được chia sẻ. Ví dụ: tại bioRxiv và medRxiv, bài báo sẽ bị loại nếu có dấu hiệu giả khoa học hoặc đạo văn.
Thực tế là, mặc dù luôn có khả năng bản thảo preprint gian lận, kém chất lượng sẽ lọt qua các lớp lang kiểm duyệt, nhưng điều này cũng có thể xảy ra với phản biện đồng nghiệp trước nay trong xuất bản truyền thống. Chẳng hạn, nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ vẫn lầm tưởng rằng tiêm chủng sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ em, phần lớn nhờ một bài báo bình duyệt bởi The Lancet năm 1998 mà trong đó Andrew Wakefield – một cựu bác sĩ người Anh đã ngụy tạo mối liên hệ giữa tỷ lệ tiêm chủng và tỷ lệ tự kỷ. Mặc dù bài báo đã bị rút, nhưng nó lại châm ngòi cho một chiến dịch anti vắc-xin tai hại mà có thể sẽ không bao giờ dừng lại.
Một lỗ hổng khác trong mô hình bình duyệt truyền thống là nó không khuyến khích nhà khoa học công bố các nghiên cứu có kết quả không như dự tính, ngay cả khi những kết quả đó có thể hữu ích cho cộng đồng khoa học – một dạng thiên lệch trong xuất bản. Các nhà nghiên cứu thường chỉ công bố các kết quả độc đáo và phản trực giác nhất, do quá trình biên tập và bình duyệt đặt tính mới lạ lên hàng đầu. Điều này có thể dẫn đến việc các kết quả nổi bật khó được làm lại bởi các nhà nghiên cứu khác sẽ được công bố nhiều hơn. Coi preprint như một hình thức xuất bản học thuật chính danh sẽ giúp giảm thiểu sự thiên lệch đó.
Tất cả những ai lo ngại rằng các trang lưu trữ sơ bộ này sẽ trở thành bãi rác cho những ý tưởng dở hơi hoặc chôm chỉa từ đâu đó hoàn toàn có thể yên tâm.
Các mô hình mới mẻ trỗi dậy
Sự thịnh hành của preprint trong đại dịch đã kéo theo các thực hành mới mẻ khác.
Đầu tiên phải kể đến một loại hình dịch vụ bên thứ ba chuyên tuyển chọn và đánh giá các bản preprint được đăng tải. Ví dụ như PreLights, một trang web đánh giá bản in tiền xuất bản được hỗ trợ bởi nhà xuất bản phi lợi nhuận The Company of Biologists, hiện đang tổng hợp một danh sách những nghiên cứu dạng preprint (đi kèm với mô tả ngắn gọn tầm quan trọng và đường dẫn) mà họ cho là “mang tính bước ngoặt” về cơ chế và sự lây truyền của coronavirus mới. Danh sách này được cập nhật liên tục theo trình tự thời gian, cung cấp một bộ lọc hữu ích để độc giả không phải ngụp lặn trong hàng chục nghìn bản preprint về đề tài nóng bỏng tay này.
Thứ hai là việc xuất hiện ngày càng nhiều “overlay journals” – các tạp chí điện tử chuyên tổng hợp và đánh giá lại các nghiên cứu học thuật preprint, truy cập mở đã được công bố. Từ tháng Tám năm ngoái, tạp chí Rapid Reviews: Covid-19, được xuất bản bởi MIT Press, bắt đầu cho truy cập miễn phí đến các bài đánh giá preprint về coronavirus mới.

Cuối cùng, tất nhiên phải kể đến mạng xã hội – một nền tảng ít trang trọng nhưng chắc chắn là nhanh hơn. Bạn sẽ ngạc nhiên là dựa vào sức mạnh của số đông, những kiểm định không chính thức này lại lật tẩy được những sai sót mà bình duyệt truyền thống thường bỏ qua. Ví dụ, vào đầu năm nay, cả Tạp chí The New England Journal of Medicine và The Lancet đều xuất bản báo dựa trên nghiên cứu của công ty Surgisphere. Hai bài báo này dựa trên một cơ sở dữ liệu của khổng lồ đến đáng nghi về hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Covid-19 để chắt lọc ra các nguy cơ tử vong liên quan đến việc điều trị. Chỉ vài ngày sau khi bài báo trên The Lancet được xuất bản, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng gần như là chắc chắn có gian lận ở đây. Làn sóng phê bình bắt nguồn từ Twitter và lên đến đỉnh điểm là một bức thư ngỏ có chữ ký của hàng chục nhà khoa học. Các nhà phê bình cho rằng bộ hồ sơ bệnh án cực kì chi tiết ở quy mô toàn cầu này không thể được thu thập được chỉ trong vài tháng. Ngoài ra, công ty Surgisphere cũng không chia sẻ dữ liệu để những người khác có thể xác thực độ tin cậy. Như vậy ở đây, đánh giá sau khi xuất bản – điều mà nhiều người quan ngại về chất lượng của preprint thường hoài nghi – đã phát huy tác dụng. Cả hai tạp chí cuối cùng đã rút lại bài báo của họ.
Từng bước thay đổi
Một số tổ chức lớn đã và đang xúc tiến sự thay đổi đó. Trong nhiều thập kỷ, Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), nơi đóng vai trò là kho lưu trữ tài liệu y sinh hàng đầu thế giới, chỉ lập danh mục các tài liệu đã được bình duyệt chính thức. Tuy nhiên, từ mùa xuân năm nay, NLM đã khởi động một dự án thử nghiệm để bắt đầu lập danh mục các bản preprint về Covid-19 do Viện Y tế Quốc gia tài trợ. Tôi đã làm việc tại NLM trong hai năm và có thể xác nhận rằng rằng thư viện này làm việc rất bảo thủ, thận trọng và quan liêu. Nếu NLM mà còn chịu thay đổi để thích ứng với xu thế mới, thì có nghĩa là không ít thì nhiều, preprint thật sự đã thuyết phục được cộng đồng khoa học về tầm quan trọng của nó.
Đã từng có thời điểm mà bình duyệt trước khi xuất bản là quy trình duy nhất được chấp nhận, lúc mà các tạp chí học thuật được in bản cứng và gửi qua đường bưu điện, mà tất cả các công việc trí óc phải được hoàn thành xong xuôi chỉ để những sản phẩm khoa học hoàn thiện nhất được lên kệ. Nhưng ngày nay, tất cả đã thay đổi. Chúng ta dễ dàng xuất bản trực tuyến và cũng có mọi công cụ cần thiết để quản lý chất lượng học thuật trực tuyến. Không còn lý do gì để chỉ hai hoặc ba chuyên gia ẩn danh toàn quyền quyết định giá trị của một một bài báo học thuật. Cũng không còn lý do gì để kiến thức khoa học bị dìm đi trong nhiều tháng vì lẩn quẩn trong một cơ chế đã lỗi thời. Đã đến lúc phải xây dựng một hệ thống đánh giá học thuật cho thời đại internet mà preprint sẽ là tiêu chuẩn mới của xuất bản khoa học.
Ánh Nguyệt lược dịch
Nguồn: Marcus Bank. (October 29, 2020). Opinion: A Lesson of the Pandemic: All Prints Should Be Preprints. Undark