Xuất phát từ hiện thực về sự phát triển kinh tế không ngừng và gia tăng sự bất bình đẳng trong mỗi quốc gia đã và đang là hai trong số những thực trạng đáng chú ý nhất trên thế giới trong những thập kỷ gần đây, hai tác giả là Tiến sỹ Chu Khánh Lân (Học viện Ngân hàng) và Thạc sỹ Hoàng Phương Dung (Học viện Ngân hàng) đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự phức tạp của nền kinh tế (economic complexity) và bất bình đẳng trong thu nhập. Sử dụng dữ liệu bảng của tám mươi tám quốc gia từ năm 2002 đến 2017 và hai phương pháp ước lượng (estimation method), bài báo này cho thấy sự phức tạp của nền kinh tế có liên quan đáng kể đến sự gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập.
Bài báo có tiêu đề “How does economic complexity influence income inequality? New evidence from international data” được công bố trên tạp chí Economic Analysis and Policy, thuộc nhóm tạp chí Q2 Scopus với lĩnh vực Kinh tế & Kinh tế lượng và xếp hạng Q1 Scopus cho lĩnh vực Kinh tế học & Kinh tế lượng và Tài chính vào các năm 2018, 2019 cùng CiteScore là 2.9. Tạp chí này cũng được SSCI chỉ mục.
Trong bài báo, từ việc đề cập đến việc xây dựng sự tinh vi, sự phức tạp của một nền kinh tế (economic sophistication) là một quá trình lâu dài và tốn kém, nhóm tác giả cũng đặt câu hỏi rằng liệu những thay đổi trong bản chất của mối quan hệ giữa sự phức tạp nền kinh tế với sự bất bình đẳng trong thu nhập này có là điều kiện đối với sự phát triển của các yếu tố kinh tế và xã hội khác hay không.
Một quốc gia với điều kiện kinh tế tốt hơn từ đó có sự sụt giảm đáng kể về mức độ nghèo đói và thúc đẩy vượt trội đối với phúc lợi toàn xã hội nhưng mức chênh lệch trong thu nhập ngày một lớn hơn đang trở thành một mối lo ngại. Một loạt những bằng chứng đã hướng đến nhận định rằng bất bình đẳng gia tăng có thể ngăn chặn đầu tư, tiêu dùng và sự tăng trưởng bởi nó thúc đẩy sự bất ổn kinh tế, tài chính và chính trị. Hơn nữa, bất bình đẳng còn có thể dẫn tới giới hạn những lựa chọn của tập thể (public choices) bởi niềm tin và sự gắn kết xã hội dần bị hủy hoại và sau đó ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng. Do việc giải quyết bất bình đẳng trong thu nhập vẫn là một điều gian nan không chỉ với những quốc gia đang phát triển mà còn với cả những nước đã phát triển nên việc xác định được những yếu tố quyết định đến sự bất bình đẳng trong thu nhập luôn là trọng tâm đối với những nhà hoạch định chính sách và những nhà nghiên cứu.
Bài báo này mang lại những hiểu biết quan trọng về mối quan hệ giữa sự phức tạp của nền kinh tế với bất bình đẳng trong thu nhập. Kết quả cho thấy mối liên hệ này không đơn giản là mối quan hệ một chiều theo tỉ lệ thuận hoặc tỉ lệ nghịch mà phức tạp hơn rất nhiều. Một nền kinh tế có mức độ phức tạp càng cao thì càng có mối liên hệ chặt chẽ với sự bất bình đẳng trong thu nhập. Thêm vào đó, mức độ thu nhập, chất lượng thể chế (institutional quality), mức độ giáo dục, chi tiêu chính phủ và tự do hóa thương mại là những yếu tố quan trọng quyết định sự phân bổ trong thu nhập.
Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện những bằng chứng đủ điều kiện chứng minh khi trình độ giáo dục, chi tiêu của chính phủ và mức độ mở cửa trong thương mại đạt đến ngưỡng nhất định, chúng tạo điều kiện cho các ảnh hưởng có lợi của sự phức tạp kinh tế trong việc giảm bất bình đẳng thu nhập. Ngược lại, trong một môi trường có ít giáo dục hơn, chi tiêu chính phủ không hiệu quả và sự mở cửa của nền kinh tế thấp, sự phức tạp kinh tế không làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Những phát hiện của bài có liên quan đến các nhà hoạch định chính sách trong việc điều chỉnh các chính sách của họ để chống lại sự bất bình đẳng trong quá trình phát triển một nền kinh tế tri thức.
Mặc dù sự phức tạp của nền kinh tế là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới khoảng cách trong thu nhập, mối liên hệ này có thể được kiểm soát thông qua những chính sách. Cụ thể hơn, khi mức độ giáo dục, chi tiêu chính phủ và tự do thương mại đạt đến những mức độ nhất định, chúng sẽ tạo điều kiện phát sinh những ảnh hưởng có lợi từ phía nền kinh tế có sự phức tạp ở mức độ cao hơn đối với việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập.
Nói cách khác, những quốc gia sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, chi tiêu chính phủ hiệu quả và nền kinh tế tự do có thể làm giảm bất bình đẳng trong thu nhập. Tuy nhiên, trong một môi trường quốc gia có ít yếu tố giáo dục, mức độ chi tiêu chính phủ thấp và kém hiệu quả cũng như nền kinh tế ít mở cửa, tự do có thể ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sự phân bổ thu nhập. Phát hiện này chỉ ra mặt tiêu cực của sự phức tạp của nền kinh tế đối với việc phân bổ thu nhập có thể được giảm thiểu và thậm chí xóa bỏ bởi điều kiện kinh tế xã hội và thể chế hợp lý, như đã được đề cập trước đây trong lý thuyết công nghệ thay đổi kĩ năng lao động (skill-based technological change theory).

Nhìn chung, nghiên cứu này chỉ ra sự phát triển kinh tế không phải là câu trả lời hoàn chỉnh cho bài toán giảm bất bình đẳng thu nhập. Trên thực tế, việc làm giảm khoảng cách thu nhập yêu cầu một sự phối hợp của nhiều chính sách phát triển. Sự gia tăng thúc đẩy của những năng lực hiệu suất (productive capabilities), yếu tố mang đến sự phức tạp của nền kinh tế cần được triển khai cùng với những cải cách về thể chế, chi tiêu chính phủ, nguồn nhân lực và tự do thương mại.
Cụ thể, những nước đang phát triển với dân số có trình độ giáo dục thấp hơn, chi tiêu chính phủ hạn hẹp và thiếu hiệu quả cùng mức độ mở cửa nền kinh tế hạn chế sẽ phải trải qua việc khoảng cách thu nhập ngày càng lớn hơn nếu như họ cố gắng gia tăng sự phức tạp của nền kinh tế. Để đạt được những lợi ích từ điều này trong việc làm giảm bất bình đẳng thu nhập, những quốc gia này cần tập trung nhiều nỗ lực toàn diện để gia tăng dân trí, chi tiêu chính phủ hiệu quả và tự do kinh tế.
Chi tiết nghiên cứu
Lan Khanh Chu & Dung Phuong Hoang (2020). How does economic complexity influence income inequality? New evidence from international data. Economic Analysis and Policy, 68