Ở Thụy Điển, một điều luật cần tới 44.000 từ để định nghĩa hành vi sai trái trong nghiên cứu và bàn luận về các giá trị khoa học. Nội dung này ở Na Uy chỉ được gói gọn trong 900 từ, dài hơn bài báo này một chút. Độ dài một điều luật không phải là khác biệt duy nhất giữa các quốc gia châu Âu. Một bài phân tích gần đây về các chính sách liêm chính trong khoa học ở 32 quốc gia đã chỉ ra những bất đồng trong tiêu chuẩn và định nghĩa của chính hành vi sai trái trong nghiên cứu, mặc dù trước đó vào năm 2017 đã có một bộ quy tắc ứng xử trên toàn châu Âu nhằm thống nhất những điều này.
Các nhà đạo đức trong nghiên cứu cho rằng những khác biệt này có nguy cơ tạo ra sự nhầm lẫn và bất đồng quan điểm trong các hoạt động hợp tác khoa học quốc tế. Các đội thường có thành viên làm việc tại các quốc gia khác nhau; nếu một thành viên trong nhóm bị buộc tội có hành vi sai trái trong nghiên cứu, ta nên áp dụng bộ luật của nước nào? Điều này sẽ quyết định cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và những hành vi nào được coi là trái đạo đức. Nicole Föger, giám đốc điều hành của Cơ quan Nghiên cứu Liêm chính của Áo cho biết: “Đó thực sự là một vấn đề khó khăn.”
Föger cho rằng: “Các tiêu chuẩn không đồng nhất đã dẫn đến các vấn đề thực tế.” Cô dẫn chứng trường hợp của một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ người Áo đã áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức của Áo khi làm việc tại một trường đại học ở một quốc gia châu Âu. Các tiêu chuẩn của Áo — được ủy quyền bởi hợp đồng tài trợ nghiên cứu Áo cho chương trình sau tiến sĩ — cấm “quyền tác giả danh dự” đối với các nhà nghiên cứu không đóng góp đáng kể cho một bài báo. Nhưng sau khi loại tên một nhà nghiên cứu cấp cao tại trường đại học này khỏi bài nghiên cứu vì thiếu đóng góp, nghiên cứu sinh này phải đối mặt với một cuộc tra hỏi của trường đại học và bị kết luận là đã sai.
Bộ quy tắc ứng xử châu Âu về tính liêm chính trong nghiên cứu phiên bản năm 2017 do Liên đoàn Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn châu Âu xây dựng đã có tính cập nhật hơn và bớt cồng kềnh so với bộ quy điều bản năm 2011.

Những quy tắc này được viết nên với tiêu chí tạo điều kiện cho các nước châu Âu dễ dàng áp dụng thông qua một cơ cấu không ràng buộc và có thể chỉnh sửa được khi cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh mỗi quốc gia. Bộ quy tắc năm 2017 tập trung vào các nguyên tắc cơ bản, bao gồm lòng trung thực, sự tôn trọng và trách nhiệm giải trình. Nó còn mô tả những hành vi nghiên cứu mẫu mực và đưa ra các ví dụ cụ thể về hành vi sai trái.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Hugh Desmond, nhà triết học khoa học tại Đại học Antwerp và KU Leuven, Kris Dierickx, việc áp dụng những tiêu chuẩn này còn hạn chế. Theo một báo cáo vào tháng trước trên tạp chí Bioethics, trong số 32 quốc gia được phân tích, chỉ có hai quốc gia – Bun-ga-ri và Lúc-xăm-bua – đã áp dụng rộng rãi bộ Quy tắc Châu Âu. Các quốc gia dường như chỉ nhất trí về một chính sách: việc ngụy tạp, làm sai lệch và đạo dữ liệu hay kết quả nghiên cứu là hành vi sai trái trong nghiên cứu.
Ngoại trừ lập trường trên, các chính sách quốc gia khác hẳn với bộ quy tắc ứng xử châu Âu. “Nếu các quốc gia tìm cách định nghĩa lại mọi thứ, thì bản thân điều đó cũng là đáng kể rồi,” Desmond nói. Đây là một tín hiệu cho thấy các tác giả của tài liệu này có tầm nhìn khác với bộ quy tắc đề ra ban đầu. Ngoài việc bịa đặt, giả mạo và đạo văn, nhiều quốc gia không đề cập đến các hành vi mà bộ luật Châu Âu quy định là sai trái, chẳng hạn như xung đột lợi ích tài chính, thao túng quyền tác giả và tự đạo văn. Một số nước cho rằng hành vi sai trái bắt buộc phải có động cơ gian lận; những nước khác thì định nghĩa hành vi sai trái là việc vi phạm bất kỳ quy tắc nào, ngay cả những vi phạm do bất cẩn. Một số quốc gia yêu cầu tất cả các đồng tác giả cùng chịu trách nhiệm về hành vi gian lận, trong khi những quốc gia khác không nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm.
Daniele Fanelli, một nhà nghiên cứu khoa học về hành vi sai trái tại trường Kinh tế London, cho rằng phương pháp của nghiên cứu này phóng đại sự khác biệt giữa các quốc gia. Fanelli nhận định rằng, chỉ vì cách diễn đạt điều luật hơi khác so với bộ quy tắc châu Âu không có nghĩa các quốc gia không tán thành những nguyên tắc cơ bản giống nhau. Một hạn chế khác của nghiên cứu trên là việc nhiều quốc gia — bao gồm cả Áo — vẫn chưa cập nhật chính sách của họ theo bộ quy tắc năm 2017.
Lisa Rasmussen, một nhà đạo đức sinh học tại Đại học Bắc Carolina, Charlotte, cho biết, phát hiện này của Fanelli tương tự như một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Hoa Kỳ về việc định nghĩa hành vi sai trái trong nghiên cứu. Năm 2000, chính phủ Hoa Kỳ định nghĩa hành vi sai trái là ngụy tạo, làm sai lệch và đạo văn, nhưng một số nhà nghiên cứu đã lập luận rằng các hành vi khác – chẳng hạn như quấy rối tình dục – nên được đưa vào.
David Resnik, nhà đạo đức sinh học tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết các vấn đề thực tiễn xảy ra do thiếu đồng thuận [về nguyên tắc] này không chỉ là một vấn đề của châu Âu. Theo ông, khả năng xảy ra những rắc rối nghiêm trọng đối với các hoạt động hợp tác quốc tế là một nỗi lo tiềm tàng mà vốn “không hề nhận được sự chú ý cần thiết”.
Desmond nói, việc thống nhất các tiêu chuẩn và chính sách trên toàn cầu có thể sẽ còn khó khăn hơn so với những gì đã diễn ra ở châu Âu. Ông lo lắng rằng bên cạnh việc kêu gọi các hình phạt nghiêm khắc hơn và thậm chí hình sự hóa đối với các hành vi sai trái, những rắc rối gây ra bởi các chính sách không đồng nhất có thể trở thành “một vấn đề cấp bách hơn nhiều”.
Thu Phương dịch
Nguồn: Cathleen O’Grady. (March 10, 2021). What is research misconduct? European countries can’t agree. Science