Nghiên cứu mới đây với first author là tác giả đến từ trường Đại học Lâm Nghiệp, Việt Nam về đề tài “Multiple traps of scientific knowledge transfer: Comparative case studies based on the RIU model from Vietnam, Germany, Indonesia, Japan, and Sweden” công bố trên tạp chí Forest Policy and Economics. Đây là tạp chí Q1 Scopus (Citescore: 5.7) về lĩnh vực Xã hội học và Khoa học Chính trị, đồng thời cũng được chỉ mục trong danh sách SCIE và SSCI.

Tranh: “Knowledge by Fire”, Jeremy Booth/Behance | CC BY-NC-ND 4.0
Bối cảnh của nghiên cứu là sự chuyển giao kiến thức khoa học (transfer of scientific knowledge) đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách, nhất là trong các lĩnh vực phụ thuộc chủ yếu vào kiến thức khoa học như bảo tồn đa dạng sinh học hay biến đổi khí hậu. Mặc dù nhiều nỗ lực đã được thực hiện để giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách khoa học có thể tác động đến chính sách, một số bài viết nghiên cứu đã điều tra về sự ảnh hưởng của các tác nhân hạn chế của sự chuyển giao kiến thức khoa học.
Trong nghiên cứu này, tác giả đã phân tích tổng hợp (meta-analysis) 13 nghiên cứu điển hình riêng lẻ từ 5 đất nước khác nhau, tất cả đều có điểm chung là đều áp dụng mô hình RIU (Research–Integration–Utilization model) để phân tích những giới hạn của việc chuyển giao kiến thức khoa học trong nghiên cứu, tích hợp và áp dụng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố tích hợp và áp dụng độc lập với nhau trong việc hạn chế hoặc tăng cường chuyển giao kiến thức khoa học. Bên cạnh đó, tính độc lập của các yếu tố từ RIU cũng cho thấy chỉ riêng mỗi việc gia tăng kiến thức khoa học sẽ không giúp cải thiện việc chuyển giao kiến thức. Các trường hợp thực chứng mà tác giả đã xem xét cho thấy rằng sự áp dụng có thể khả thi mà không cần các cơ sở khoa học vững chắc, và việc tích hợp thành công có thể dựa trên những nền tảng khoa học yếu.
Do mô hình RIU bao gồm nhiều yếu tố độc lập khác nhau, các bẫy chuyển giao kiến thức khoa học có thể được quan sát thấy ở một hoặc nhiều yếu tố của RIU. Và vì thế, các cải tiến trong quá trình chuyển giao kiến thức khoa học nên được định hướng chỉ theo một hoặc nhiều yếu tố, thay vì toàn bộ cả quá trình. Từ đó, tác giả cũng đưa ra đề xuất về những cải tiến riêng lẻ từ các yếu tố riêng lẻ khác nhau (nghiên cứu, tích hợp, thực dụng) có thể giúp cải thiện toàn bộ quá trình chuyển giao kiến thức khoa học.
Chi tiết nghiên cứu:
Huong Thi Do, Max Krott & Michael Böcher. Multiple traps of scientific knowledge transfer: Comparative case studies based on the RIU model from Vietnam, Germany, Indonesia, Japan, and Sweden. Forest Policy and Economics, 102134