Vụ giết hại một giảng viên ngành Toán tại một ngôi trường ở Thượng Hải đã gây ra làn sóng chấn động cộng đồng nghiên cứu Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ động cơ đằng sau vụ giết người, nhưng nghi phạm là một nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán. Thảm kịch này đã dấy lên cuộc tranh luận về những sai sót trong hệ thống biên chế của Trung Quốc.
Theo Đại học Phúc Đán, ông Wang Yongzhen, 49 tuổi, Bí thư Đảng ủy tại Trường Khoa học Toán học và cựu phó hiệu trưởng, đã bị giết hại tại khuôn viên trường ở Thượng Hải vào chiều ngày 7/6. Cảnh sát xác định nghi phạm là một người đàn ông 39 tuổi tên Jiang. Đến thứ Hai, Jjiang đã bị buộc tội “tình nghi cố ý giết người”.

Đại học Phúc Đán sau đó đã đưa ra thông cáo “bày tỏ sự chia buồn sâu sắc về cái chết thương tâm của đồng chí Wang Yongzhen”. Ông Wang là chuyên viên nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán từ năm 2007, đồng thời giữ một số vai trò hành chính cấp cao của trường.
Trong một tuyên bố ngày 17 tháng 6, trường đại học tiết lộ tên đầy đủ của nghi phạm là Jiang Wenhua, một nhà nghiên cứu trong khoa xác suất, thống kê và khoa học tính toán của trường. Ông từng xuất bản một số bài báo về thống kê. Jiang đang có dự định vào biên chế. Đây là một quy trình được các trường đại học hàng đầu Trung Quốc mô phỏng theo các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Xem xét lại hệ thống biên chế
Một đoạn video không rõ nguồn gốc đã lan truyền trên mạng cho thấy Jiang ở hiện trường vụ án, quỳ trên mặt đất trong khi bị cảnh sát thẩm vấn. Nghi phạm trong video khai báo với cảnh sát rằng anh ta đã bị đối xử tệ bạc.
Đại học Phúc Đán không đưa ra bất cứ bình luận nào về các vấn đề tiềm tàng trong hệ thống biên chế tại Trung Quốc. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng, bất kể động cơ của vụ sát hại là gì, vụ việc đã cho thấy sự gắt gao trong quy trình biên chế và đề xuất xem xét lại hệ thống này.
Đại học Phúc Đán cho biết Jiang đã được tuyển dụng vào tháng 9 năm 2016 theo hợp đồng ba năm. Hết ba năm đó, Jjiang có cơ hội ký tiếp hợp đồng ba năm tiếp theo sau khi được hội đồng bình duyệt và triển vọng tuyển dụng lâu dài, hay còn gọi là “biên chế”, sau sáu năm.
Các nhà nghiên cứu cho biết kế hoạch ‘ba cộng ba’ này rất phổ biến ở các trường đại học Trung Quốc. Các hệ thống tương tự cũng được áp dụng tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Chế độ biên chế thường được cấp sau khoảng sáu năm còn các hợp đồng ba năm sẽ được đánh giá định kỳ hàng năm.
Tuy nhiên, Đại học Phúc Đán cho biết hợp đồng ba năm ban đầu của Jiang đã không được thay mới (renew) vì ông không đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng – chi tiết hợp đồng chưa được công bố. Trường đại học cho biết họ đã đồng ý cho Jiang hai lần kéo dài (extension), mỗi lần một năm: lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2019 và lần thứ hai vào tháng 11 năm 2020. Tuy nhiên, trước sự việc xảy ra vào ngày 7 tháng 6, trường đại học cho biết họ không đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng của Jiang. Điều này có vẻ như không thỏa đáng trước những suy đoán trên mạng rằng động cơ gây án có liên quan đến khả năng mất việc làm của ông ta.
Việc làm bấp bênh
Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng việc làm bấp bênh của Jiang không phải là hiếm tại các trường đại học Trung Quốc. Trong một ví dụ được trích dẫn rộng rãi từ Đại học Vũ Hán, chỉ 3% ứng viên của trường vượt qua bài đánh giá 3 năm đầu tiên của họ. Để dễ so sánh, 50-60% ứng viên thi biên chế tại nhiều trường học ở Hoa Kỳ thường đỗ biên chế, mặc dù tỷ lệ giữa các trường khác nhau và tỷ lệ giảng viên Hoa Kỳ vào biên chế đang giảm nói chung.
Rao Yi, một nhà khoa học thần kinh và hiệu trưởng Đại học Y Thủ đô ở Bắc Kinh, lập luận rằng vấn đề không phải ở hệ thống biên chế mà ở quy trình triển khai không thống nhất giữa các trường. Ông cho rằng, quy trình đánh giá ba năm là nhằm mục đích hỗ trợ các giảng viên ít thâm niên trên con đường vào biên chế và phần lớn các ứng cử viên nên đạt buổi đánh giá này.
Các trường đại học Trung Quốc đang lạm dụng hệ thống biên chế để có lợi cho họ.
Shu Fei, một nhà khoa học môn sinh trắc học tại Đại học Hàng Châu Dianzi ở Trung Quốc và Đại học Montreal, Canada, cho biết, ngay cả những ứng viên đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra cũng thường không thành công khi mà vị trí tuyển dụng còn hạn chế. Shu cho biết các trường đại học thường tuyển dụng quá mức và khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ xuất bản nhiều bài báo, điều này giúp tăng thứ hạng cho trường. Ông nói thêm: “Các trường đại học Trung Quốc đang lạm dụng hệ thống biên chế để có lợi cho họ. Nhiều học giả trẻ Trung Quốc đang rất tức giận.”
Các ứng viên thi trượt thường phải đảm nhận các vị trí quản trị hoặc phải tìm việc làm ở nơi khác. Hơn nữa, nhiều người “không được thông báo đầy đủ về quy trình thi biên chế và tỷ lệ đỗ thấp”. Chính vì vậy, việc mất việc làm có thể là một cú sốc đối với họ, Shu bày tỏ.
Các nhà nghiên cứu cũng hé lộ rằng các quyết định gia hạn hợp đồng hoặc cấp biên chế thường dựa trên mối quan hệ cá nhân hơn là thành tích công tác. Theo Joy Zhang, một nhà xã hội học tại Đại học Kent ở Canterbury, Vương quốc Anh, điều này đã gây ra nhiều bất công. Cô cũng đã nghe được nhiều lời phàn nàn tương tự trong những năm nghiên cứu ở Trung Quốc.
Một bài đăng blog gần đây của một học giả ẩn danh người Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến hệ thống biên chế tại các trường đại học trong nước cho rằng hành động của nghi phạm, tuy không thể chối cãi, là một bài học đắt giá cho các trường đại học rằng “không nên bắt nạt những người trẻ tuổi”.
Futao Huang, nhà nghiên cứu về giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, cho biết: “Các trường đại học nên nỗ lực hơn nữa để xây dựng và củng cố một hệ thống cố vấn vững chắc, đặc biệt là đối với các giảng viên trẻ và mới được tuyển dụng.”
Các tiêu chí không nhất quán
Zhang chia sẻ: Mặc dù trên lý thuyết, Trung Quốc đã áp dụng các tiêu chí của hệ thống biên chế như của Hoa Kỳ. “Trên thực tế thường có sự chênh lệch lớn giữa cách áp dụng các tiêu chí này”.
Rao lập luận rằng, những trường đã triển khai hệ thống như quy định đã cho thấy kết quả “tốt hơn nhiều so với bất kỳ phương án nào khác đã được sử dụng trước đây”, bao gồm việc cấp biên chế cho các nhà nghiên cứu ngay khi được tuyển dụng hoặc thông qua các đánh giá hàng năm. Ông đưa ra các ví dụ tiêu biểu như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, cả hai đều ở Bắc Kinh. Rao trước đây từng là trưởng khoa tại đại học Bắc Kinh.
Hệ thống biên chế được lập ra để đảm bảo chỗ dựa tài chính cho các học giả trong biên chế cũng như sự tự do trong học thuật để theo đuổi nghiên cứu mà họ lựa chọn. Các trường đại học Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng hệ thống này từ vài thập kỷ trước.
Rao bổ sung, về mặt lý thuyết, hệ thống phải công bằng vì tất cả các vị trí được tuyển dụng thông qua cạnh tranh mở, không phải bằng cách bổ nhiệm nội bộ. Tuy vậy, “hệ thống biên chế chỉ hoạt động hiệu quả ở một số trường đại học Trung Quốc cho đến nay”.
Một cuộc điều tra đầy đủ của cảnh sát về vụ việc tại Đại học Phúc Đán đang được tiến hành.
Thu Phương dịch
Nguồn
Smriti Mallapaty. (June 25, 2021). Killing at Chinese university highlights tensions over tenure system. Nature.